Cô giáo Phạm Thanh Minh – Tổ phó tổ Tự nhiên II, Khối trưởng chủ nhiệm khối 6-7 đã hoàn thành xuất sắc phần báo cáo “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” của mình với dự án “Duy trì văn hóa đọc trong giai đoạn học trực tuyến bằng việc sử dụng các phần mềm minh họa các cuốn sách đã đọc”. Có thể nói, đây là niềm tự hào của cô giáo cũng như của trường THCS Thanh Xuân Trung khi hai năm liên tiếp nhà trường có các thầy cô giáo tham dự “Hội thi Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”.
Đồng chí Trịnh Hồng Vân – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường (đứng thứ 2 từ phải sang)
cùng Ban giám hiệu, các thầy cô giáo trường THCS Thanh Xuân Trung
chúc mừng đồng chí Phạm Thanh Minh hoàn thành xuất sắc Hội thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo
năm học 2020-2021"
Hội đồng xét duyệt giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo lần thứ V, năm học 2020-2021
tặng hoa kỉ niệm các thầy cô giáo tham dự Hội thi
Trong đợt xét tặng giải thưởng “Nhà giáo Thanh Xuân tâm huyết sáng tạo” năm học 2021-2022 do phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân tổ chức ngày 01/10/2021, cô giáo Phạm Thanh Minh đã giành giải Xuất sắc, trở thành đại diện tiêu biểu của trường THCS Thanh Xuân Trung, của ngành Giáo dục quận Thanh Xuân vinh dự tham gia Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cấp Thành phố năm học 2020-2021.
Trong phần trình bày tại Hội thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm học 2020-2021”, cô giáo Phạm Thanh Minh đã phát biểu: “Trong 2 năm vừa qua tôi công tác tại trường THCS Thanh Xuân Trung - ngôi trường mới thành lập, tôi luôn khao khát xây dựng được thói quen đọc sách cho con học sinh. Chính vì vậy tôi đã chủ động đề xuất với Ban giám hiệu để xây dựng được một môi trường hình thành văn hóa đọc cho học sinh với mục đích thay vì các con phải đọc sách thì các con say mê, hứng thú đọc, chủ động đọc sách. Tôi đã đưa ra những sáng kiến cụ thể, thiết thực như sau: Tạo môi trường văn hóa đọc mọi lúc mọi nơi như tại thư viện, trong lớp hay tại ngôi nhà thân yêu của các con; Tổ chức hiệu quả các hoạt động hình thành thói quen đọc sách; Công tác thi đua khen thưởng kịp thời khích lệ được các cá nhân và tập thể.”
Cô Phạm Thanh Minh cho rằng: “Trong thời gian học sinh học tập trực tuyến tại nhà, các con không có cơ hội đến trường đọc sách tại thư viện, chính vì vậy tôi rất trăn trở làm thế nào để duy trì được thói quen, sự hứng thú đọc sách của học sinh như trước. Hơn nữa, tôi nhận thấy trong giai đoạn này học sinh có cơ hội được tiếp xúc với các thiết bị như ipad, laptop, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin khác... Việc sử dụng các thiết bị thông minh nếu không được định hướng các con có thể sử dụng sai mục đích. Vì vậy tôi đã đưa ra giải pháp là “Duy trì văn hóa đọc trong giai đoạn học trực tuyến bằng việc sử dụng các phần mềm minh họa các cuốn sách đã đọc” cho học sinh, vừa rèn được các kĩ năng mềm vừa phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh cấp THCS.”
Những giải pháp mà cô giáo Phạm Thanh Minh đưa ra gồm: Thứ nhất là hướng dẫn học sinh tìm hiểu và sử dụng các phần mềm phù hợp để minh họa cho các cuốn sách như: phần mền PicsArt, Flipaclip, Powtoon, Canva. Thứ hai là Duy trì văn hóa đọc thông qua việc sử dụng các phần mềm và đọc có định hướng. Việc định hướng đọc giúp các con có kỹ năng đọc, bổ sung thêm kiến thức trên lớp theo môn học. Bên cạnh đó với nhiều thể loại sách sẽ khơi gợi niềm đam mê đọc sách theo nhu cầu. Việc sử dụng thuyết minh tiếng Anh hay phụ đề tiếng Anh trong các video giới thiệu sách đã giúp các con nâng cao khả năng giao tiếp cũng như tăng vốn từ vựng tiếng Anh.
Cô giáo Phạm Thanh Minh trình chiếu những sản phẩm đặc sắc của các con học sinh
sử dụng những phần mềm phù hợp để minh họa cho cuốn sách nổi tiếng
“Hoàng tử bé” của nhà văn Ăng-toan đơ Xanh-tơ Ê-xu-pe-ri
Cô giáo Phạm Thanh Minh trình bày ý tưởng sáng tạo của các con học sinh
sáng tác truyện tranh bằng phần mềm tin học phù hợp với lứa tuổi
Sự thành công và niềm vui lan tỏa của dự án “Duy trì văn hóa đọc trong giai đoạn học trực tuyến
bằng việc sử dụng các phần mềm minh họa các cuốn sách đã đọc” với thầy trò trường THCS Thanh Xuân Trung
Bằng sự tâm huyết, đổi mới, sáng tạo của cô dành cho học trò, phần dự thi của cô giáo Phạm Thanh Minh đã thuyết phục được cả “Hội đồng xét duyệt Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo Hà Nội”, đã lan tỏa và khẳng định vị thế trường THCS Thanh Xuân Trung tại 100 điểm cầu các Quận, Huyện của thành phố Hà Nội. Có thể nói phần dự thi của cô giáo đã rất thành công, được Hội đồng giám khảo đánh giá rất cao, để lại ấn tượng sâu sắc; và đặc biệt sáng kiến của cô Minh đã được chính thành viên hội đồng khen ngợi và khẳng định sẽ vận dụng cách làm của cô Minh ở trong trường học của các thầy. Đây chính là nguồn động viên to lớn cho những người thầy, người cô đang miệt mài cống hiến, sáng tạo trong sự nghiệp trồng người khi những ý tưởng hữu ích cho giáo dục có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Hội đồng xét duyệt đánh giá rất cao phần dự thi của cô giáo Phạm Thanh Minh
Cô giáo Phạm Thanh Minh đã gửi lời cảm ơn chân thành: “Để có thể có bài báo cáo được Hội đồng xét duyệt đánh giá cao như ngày hôm nay, tôi vô cùng biết ơn Ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là đồng chí Trịnh Hồng Vân – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường đã định hướng, dìu dắt, giúp đỡ tôi. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới là tổ công tác hỗ trợ tôi đã âm thầm tạo nên nguồn tư liệu vô cùng ấn tượng với Ban giám khảo cùng tổ KHTN đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Thật hạnh phúc vì được làm giáo viên THCS Thanh Xuân Trung. Xin được chúc những đồng chí đang chuẩn bị dự thi giáo viên giỏi và sắp thi trong năm nay sẽ tiếp tục tỏa sáng để đưa thương hiệu Thanh Xuân Trung tới các bạn bè đồng nghiệp.”
Với niềm đam mê nhiệt huyết, sự sáng tạo đổi mới không ngừng thì nỗ lực xây dựng “Trường học Hạnh phúc” thông qua Dự án “Duy trì văn hóa đọc trong giai đoạn học trực tuyến bằng việc sử dụng các phần mềm minh họa các cuốn sách đã đọc” đã được đánh giá cao trở thành việc làm thường xuyên của cô giáo Phạm Thanh Minh. Cô giáo Phạm Thanh Minh đã trở thành tấm gương lan tỏa, truyền niềm cảm hứng trong tập thể nhà trường, được đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh tin yêu. Chúc cô giáo sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người. Xin mượn những ngôn từ trong bài hát sau để ca ngợi những sự cống hiến quý báu của cô giáo Phạm Thanh Minh với mái trường – ngôi nhà Hạnh phúc Thanh Xuân Trung:
“Không là hoa của những buồn đau
Tôi là hoa của những nụ cười.
Cuộc sống của tôi, yêu biết bao!
Và tôi sống như đóa hoa này
Tỏa ngát hương thơm cho đời
Sống với nỗi khát khao rằng
Được hiến dâng cho cuộc đời…”