Tham dự tiết chuyên đề có đồng chí Lê Thị Sai - Phó Bí thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường; cùng các đồng chí trong tổ Xã hội trường THCS Thanh Xuân Trung.
Bài học được mở đầu với một trò chơi vô cùng hấp dẫn mang tên Rung chuông vàng. Qua trò chơi này, cô giáo đã giúp học sinh hệ thống lại nội dung kiến thức về phương pháp làm bài văn kể chuyện cũng như bố cục của một bài văn kể chuyện. Với hình thức đưa trò chơi vào bài học, việc củng cố ôn luyện kiến thức của các em học sinh vừa dễ dàng lại vừa hấp dẫn và lí thú. Sau phần khởi động hào hứng, sôi động, bên cạnh việc khắc sâu kiến thức, cô giáo đã khẳng định vai trò quan trọng của sự sáng tạo trong văn học nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Cô Thu Hà hướng học sinh đến với phần nội dung tiếp theo của tiết học, để các em thỏa sức sáng tạo với các tác phẩm văn học đã được học trong chương trình Ngữ văn 6.
Với nhiệm vụ “Kể sáng tạo một tác phẩm văn học em đã được học trong nhà trường” cô giáo đã chia lớp thành 4 nhóm, tương ứng với 4 tổ, nhiệm vụ được phân công chuẩn bị từ tiết trước. Là người hướng dẫn, hỗ trợ học sinh thực hiện nhiệm vụ, cô giáo cũng khuyến khích các con phát huy sự sáng tạo của bản thân bằng việc kể lại các câu chuyện đã học với các hình thức sáng tạo trong cách kể như hát, đọc thơ, diễn kịch,…hoặc về nội dung có thể viết thêm kết thúc mới cho truyện. Lớp học thực sự đã trở thành một sân khấu tuyệt vời cho các bạn học sinh tỏa sáng.
Các em học sinh tổ 1 kể chuyện “Ếch ngồi đáy giếng” bằng một bài hát rất vui nhộn, dễ thương.
Phần trình diễn mở đầu của tổ 1 với bài hát “Ếch ngồi đáy giếng”, các con học sinh đã chứng tỏ được sự tự tin của mình trong cách trình diễn khi lựa chọn một bài hát thiếu nhi quen thuộc gợi nhắc về một câu chuyện ngụ ngôn có bài học ý nghĩa sâu sắc. Tiết mục của học sinh đã mang đến những giây phút giải trí cho cả lớp với phần giao lưu thú vị.
Hai rapper tổ 2 với câu chuyện “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng”
Ngay sau phần trình diễn của tổ 1, không khí lớp học được đẩy lên cao trào với sự xuất hiện của hai chàng rapper nhí đến từ tổ 2 mang đến cách kể chuyện bằng thơ vô cùng độc đáo. Tổ 2 đã lựa chọn câu chuyện “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng”, chuyển thể thành lời rap khiến cho một tác phẩm ngụ ngôn dân gian lại mang dấu ấn của hơi thở hiện đại, tất cả trở nên dễ gần, dễ nhớ. Phong cách trình diễn của đại diện tổ 2 rất tự tin, cuốn hút ngay từ khi xuất hiện đã làm tất cả học sinh trong lớp không thể ngồi yên mà cuốn theo tiết mục của các bạn. Không khí lớp học nóng lên hơn bao giờ hết khi cả lớp cùng tham gia tiết mục, cùng đọc hô ứng theo lời rap của các bạn trình diễn. Tiếng hô vang của cả lớp: “Phải luôn đoàn kết vững vàng, bền lâu” cũng chính là lời của các em học sinh đáp lại lời nhắn nhủ của cô giáo về những bài học giá trị trong cuộc sống.
Tổ 3 say sưa diễn “Dế Mèn phiêu lưu kí”
Đến phần trình diễn của tổ 3, học sinh đã lựa chọn một tác phẩm văn học vô cùng quen thuộc trong chương trình đó là văn bản “Dế Mèn phiêu lưu kí” để sân khấu hóa một cách độc đáo. Những nhân vật như Dế Mèn, Dế Choắt, chị Cốc đã không còn chỉ là những cái tên trong sách giáo khoa nữa mà trở nên sống động, chân thực hơn bao giờ hết trên sân khấu của lớp 6A8. Với sự tự tin, nhập vai, các bạn tổ 3 đã chinh phục được tất cả các thầy cô và các bạn học sinh trong lớp. Các con đã cười nghiêng ngả ở phần mở màn bao nhiêu thì lại lắng đọng ở phần kết thúc tiểu phẩm bấy nhiêu. Giây phút Dế Mèn ăn năn tự trách đã khiến khán giả không khỏi xúc động.
Các em tổ 4 sáng tạo thêm một kết thúc hoàn toàn mới cho câu chuyện
“Ông lão đánh cá và con cá vàng”
Để có thể tập một vở kịch theo một kịch bản có sẵn đã rất khó và để biến tấu một câu chuyện lại càng có nhiều khó khăn hơn nữa, nhưng các bạn tổ 4 đã rất mạnh dạn chọn phần thách thức này, kể lại một câu chuyện theo một kết thúc hoàn toàn mới. Với câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng” được viết lại một cách sáng tạo đã nhẹ nhàng, qua cách kể hồn nhiên của các em học sinh cùng với những câu hỏi khai thác sâu sắc của cô giáo đã khiến mỗi người xem không khỏi suy ngẫm về lòng biết ơn, về đức tính bao dung, độ lượng.
Sau khi xem xong mỗi phần trình diễn, dưới sự dẫn dắt của giáo viên, các em học sinh đều tự rút ra được cho mình những bài học trong cuộc sống cũng như các lưu ý khi làm một bài văn kể chuyện sáng tạo. Kết quả đó được thể hiện và đánh giá trong phiếu thu hoạch mà cô giáo đã giao nhiệm vụ từ đầu giờ.
Cô trò chụp ảnh sau khi tiết chuyên đề kết thúc
Cuối buổi học, cô giáo chốt lại những lưu ý khi kể chuyện sáng tạo để giúp học sinh ghi nhớ và phát huy được khả năng sáng tạo của mình.
Kết thúc tiết chuyên đề môn Ngữ văn, đồng chí Uông Thị Kim Hương – Tổ trưởng Tổ Xã hội đã tổ chức rút kinh nghiệm những ưu, khuyết điểm của giờ dạy để giáo viên trong tổ có cơ hội học tập, trau dồi chuyên môn hiệu quả, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của đồng chí Lê Thị Thu Hà và tổ công tác đã đem đến một giờ dạy bổ ích.
Cùng với các tiết chuyên đề trực tuyến được giáo viên trường THCS Thanh Xuân Trung triển khai đồng bộ và hiệu quả, tiết chuyên đề của tổ Xã hội dịp này cũng đã giúp các đồng chí GV trong tổ có thêm kinh nghiệm bồi dưỡng chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh từ đó nâng cao chất lượng dạy học. Tiết chuyên đề cũng đã góp phần phát huy hiệu quả mô hình "giáo viên của giáo viên" "học sinh của giáo viên" được nhà trường thực hiện theo hướng dẫn chỉ đạo của Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân trong những năm học qua.
Một số hình ảnh khác tại buổi chuyên đề: