Trước và trong Cách mạng tháng Tám, các đội tiền thân của Lực lượng vũ trang Thủ đô xung kích đi đầu, làm nòng cốt cho các tầng lớp nhân dân Hà Nội trong phong trào đấu tranh cách mạng, thúc đẩy và kiên quyết, chủ động, kịp thời chớp thời cơ vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, góp phần quyết định thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị hơn 80 năm của chủ nghĩa thực dân, lật đổ chế độ phong kiến mấy nghìn năm, giành độc lập, tự do cho dân tộc, mang lại quyền làm chủ cho nhân dân Việt Nam.
Từ sau Cách mạng tháng Tám đến Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Lực lượng vũ trang Thủ đô cùng các tầng lớp nhân dân mưu trí, ngoan cường, kiên quyết đấu tranh đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của tập đoàn đế quốc và các thế lực thù địch, phản cách mạng trong và ngoài nước, bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam thoát ra khỏi tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc”, vững bước đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, oanh liệt vẻ vang.
Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện, ngày 19 tháng 10 năm 1946, Chiến khu XI - tổ chức hành chính quân sự thống nhất của các lực lượng vũ trang Thủ đô được thành lập. Chiến khu XI đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Ngày 25 tháng 7 năm 1947, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, Trung Ương quyết định mở rộng địa bàn hoạt động của Chiến khu XI bao gồm: Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây. Từ kết quả phân tích, đánh giá khách quan, khoa học sự ra đời, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, sự phát triển, trưởng thành, chiến đấu, chiến thắng của Chiến khu XI, qua các cuộc Hội thảo khoa học, ngày 31 tháng 5 năm 2010, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 1850/QĐ-QP công nhận ngày 19 tháng 10 năm 1946 là ngày Truyền thống của Lực lượng vũ trang Thủ đô.
Sau khi được thành lập, ngày 19 tháng 12 năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chấp hành quyết định của Thường vụ Trung ương Đảng, quân và dân Chiến khu XI với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã nổ súng mở đầu cho toàn quốc kháng chiến và từ đó kiên cường chiến đấu giam chân địch trong Thành phố suốt 60 ngày đêm (vượt gấp đôi chỉ tiêu Trung ương giao), tiêu hao, tiêu diệt lớn sinh lực địch, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, bảo vệ tuyệt đối an toàn Trung ương Đảng, Chính phủ, tạo điều kiện cho cả nước có thời gian chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài. Suốt chặng đường 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Lực lượng vũ trang Thủ đô đã kiên trì trụ vững bám dân, bám đất, xây dựng cơ sở, dựa vào dân chiến đấu và lập nên bao chiến công hiển hách, vẻ vang. Nhiều trận đánh tiêu biểu, hiệu quả, góp phần tạo ra bước ngoặt quan trọng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và để lại kinh nghiệm quý về chiến tranh nhân dân, làm phong phú nghệ thuật quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội. Thành phần lực lượng Mặt trận Hà Nội bao gồm cả Lực lượng vũ trang Hà Nội và Lực lượng vũ trang tỉnh Hà Đông, tỉnh Sơn Tây. Các địa phương thuộc tỉnh Hà Đông và Sơn Tây là địa bàn hoạt động của các đơn vị Lực lượng vũ trang Mặt trận Hà Nội, nơi cung cấp nhiều nhất sức người, sức của cho Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhiều địa phương được xây dựng thành căn cứ kháng chiến và căn cứ của Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Lực lượng vũ trang Thủ đô vừa sản xuất, vừa tăng cường chi viện cho các chiến trường, đồng thời, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Phòng không, Không quân quốc gia đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, đỉnh cao là Chiến dịch phòng không bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong 10 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội – Kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, để Hà Nội trở thành “Thủ đô lương tri và phẩm giá con người”.
Thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Lực lượng vũ trang Thủ đô luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, vượt mọi khó khăn, vừa tăng cường chi viện cho các mặt trận bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế, vừa là lực lượng nòng cốt góp phần cùng các tầng lớp nhân dân Thủ đô làm thất bại âm mưu, thủ đoạn, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội góp phần bảo vệ, xây dựng kiến thiết Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Thủ đô lập nên những chiến công oanh liệt, viết nên những trang sử hào hùng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Sự hy sinh, công hiện cùng những chiến công của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã hun đúc nên giá trị truyền thống tiêu biểu, đặc sắc xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự thương yêu đùm bọc và giúp đỡ của nhân dân, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Thủ đô đã không ngại gian khổ hy sinh ra sức phấn đấu xây dựng và vun đắp nên truyền thống Anh hùng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao. Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của Lực lượng vũ trang Thủ đô là vinh dự và trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Thủ đô hôm nay và mai sau.
Phần một
QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU, TRƯỞNG THÀNH CỦA LỰC
LƯỢNG VŨ TRANG THỦ ĐÔ (1946 - 2021)
I. Các đội tiền thân của lực lượng vũ trang Thủ đô ra đời, xung kích đi đầu và làm nòng cốt Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945
Cuối năm 1944, thời cơ cách mạng Việt Nam xuất hiện và phát triển dần đến chín muồi. Trước tình hình đó, các đội tiền thân của Lực lượng vũ trang Thủ đô lần lượt ra đời tích cực chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa. Đội Tự vệ chiến đấu được thành lập trong các đoàn thể cứu quốc, biên chế tổ chức theo nguyên tắc mỗi tổ có từ 3 đến 5 người, ba tổ thành một tiểu đội, ba tiểu đội thành một liên đội, ba liên đội hợp lại thành một Đoàn.
Tháng 11 năm 1944, Đội thanh niên xung phong tuyên truyền thành Hoàng Diệu ra đời, sau đổi tên là “Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu”.
Cuối năm 1944, Đội Tự vệ xung phong ngoại thành được thành lập. Đội gồm 21 người có nhiệm vụ tuyên truyền xung phong, bảo vệ cơ sở, bảo vệ những cuộc đấu tranh, đi đầu trong các hoạt động cách mạng.
Ngày 01 tháng 4 năm 1945, Đội Danh dự Việt Minh được tổ chức, với nhiệm vụ trấn áp các tên phản động tay sai. Đội do Thành ủy trực tiếp tổ chức, lãnh đạo.
Tháng 5 năm 1945, Đội Công nhân xung phong được thành lập với nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền ở nội, ngoại thành. Các thành viên ban đầu của Đội lấy tên theo bí danh để giữ bí mật và tỏ rõ chí hướng của mình: Vì Nước, Vì Dân, Vì Giống, Vì Nòi.
Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu ra đời, với nhiệm vụ xung kích tuyên truyền cho nhân dân, huấn luyện quân sự, chính trị cho Tự vệ Thành, tiêu diệt Việt gian, phản động chống phá cách mạng; khi có tác chiến thì chiến đấu như một đơn vị quân đội thực sự.
Đoàn Thanh niên tuyên truyền, xung phong thành Hoàng Diệu đã tổ chức diễn thuyết và mít tinh ở nhiều nơi trong nội thành và ngoại thành. Đội Danh dự và Tự vệ chiến đấu đẩy mạnh hoạt động diệt trừ những tên Việt gian tay sai của Nhật. Tất cả các đoàn thể cứu quốc, các đơn vị tự vệ chiến đấu, tuyên truyền xung phong đều tích cực, chủ động tự trang bị vũ khí và tổ chức huấn luyện quân sự chuẩn bị sẵn sàng cho khởi nghĩa vũ trang cách mạng.
Đêm 13 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Ngày 17 tháng 8, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp nhất trí đánh giá: Thời cơ khởi nghĩa thực sự đã chín muồi và quyết định phương thức và kế hoạch khởi nghĩa.
Sáng ngày 19 tháng 8, Đội Tự vệ xung phong ngoại thành và Thanh niên cứu quốc, cùng đông đảo quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở một số địa phương, sau đó cùng với các lực lượng hợp lực tiến về Nhà Hát Lớn tham gia cuộc mít tinh của đông đảo các tầng lớp nhân dân Hà Nội. Trong cuộc mít tinh, đồng chí Nguyễn Huy Khôi, thay mặt Ủy ban Quân sự cách mạng, đọc lời hiệu triệu của Việt Minh, hô hào quần chúng vùng lên khởi nghĩa, lập Chính phủ cộng hòa dân chủ Việt Nam, giành độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc.
Hưởng ứng lời hiệu triệu của Việt Minh, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang Hà Nội hòa vào và làm nòng cốt trong các đoàn biểu tình tỏa đi các hướng tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn Thành phố.
Đến tối 19 tháng 8, các cơ quan quan trọng của chính quyền Bảo Đại tại Hà Nội đã về tay cách mạng. Khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội thúc đẩy cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Đây là chiến công lớn đầu tiên hết sức quan trọng của Lực lượng vũ trang Thủ đô.
Nhà nước cách mạng ra đời, Hà Nội được gọi là Khu đặc biệt Hà Nội. Bộ Chỉ huy Bộ đội Hà Nội được củng cố và chuyển thành Bộ Chỉ huy Khu đặc biệt Hà Nội đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan trọng yếu của Trung ương và bảo vệ Thủ đô. Các đơn vị tự vệ rộng rãi ở các cơ quan, nhà máy, khu phố xây dựng, hình thành trước và trong Cách mạng tháng Tám được củng cố lại và gọi tên chung là Tự vệ Thành.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, hàng chục vạn nhân dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đã tham dự Lễ Độc lập đầu tiên, đón chào Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân, và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập, mở đầu một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - Kỷ nguyên Độc lập - Tự do. Cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Thủ đô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an tuyệt đối các mục tiêu đảm nhiệm, góp phần vào thành công tốt đẹp của ngày Lễ Độc lập của dân tộc.
II. Lực lượng vũ trang Thủ đô trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)
1. Lực lượng vũ trang Thủ đô cùng nhân dân Thủ đô chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng, chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (9/1945 – 12/1946)
Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền dân chủ nhân dân ra đời. Song, chế độ thực dân, phong kiến và chính sách tàn khốc của phát xít Nhật để lại hậu quả nặng nề cho xã hội Việt Nam: Kinh tế kiệt quệ, nghèo nàn, văn hóa - xã hội lạc hậu, hầu hết nhân dân không biết chữ; nạn đói năm 1945 làm hơn 2 triệu người chết; . thực dân Pháp không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta, chúng câu kết với thế lực phản động trong và ngoài nước, tìm mọi cách tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ. Cách mạng Việt Nam rơi vào tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc”.
Ngày 25 tháng 11 năm 1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, xác định nhiệm vụ trọng tâm là: “Bảo vệ, củng cố và giữ vững chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội, Lực lượng vũ trang Thủ đô vừa xây dựng phát triển lực lượng, tích cực tham gia và làm nòng cốt trong các | phong trào “Diệt giặc dốt”, diệt giặc đói” và “Diệt giặc ngoại xâm”. Các đơn vị tự vệ chiến đấu phối hợp chặt chẽ với công an, kiên quyết, mưu trí đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, đập tan các âm mưu và hành động chống phá của các thế lực phản động, phản cách mạng trong và ngoài nước.
Ngày 19 tháng 10 năm 1946, Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng họp đã nhận định “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”.
Để chuẩn bị kháng chiến, cả nước được chia thành 12 chiến khu. Khu đặc biệt Hà Nội được đổi tên là Chiến khu XI. Khu ủy, Ủy ban Bảo vệ, Bộ Chỉ huy chiến khu XI đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Thành ủy Hà Nội được kiện toàn và đổi thành Khu ủy XI. Bộ Chỉ huy Chiến khu XI quản lý, chỉ huy cả lực lượng Vệ quốc đoàn và dân quân tự vệ tại Thủ đô.
Ngày 20 tháng 10 năm 1946, tại trụ sở Bộ Chỉ huy Khu đặc biệt Hà Nội đồng chí Lê Quảng Ba, nguyên Khu trưởng, đã tiến hành lễ bàn giao nhiệm vụ cho đồng chí Vương Thừa Vũ. Chiến khu XI ra đời đáp ứng yêu cầu thống nhất chỉ huy các lực lượng vũ trang bảo vệ Thủ đô.
Bộ Chỉ huy Chiến khu XI được kiện toàn. Lực lượng chủ lực bao gồm 5 tiểu đoàn Vệ quốc đoàn, 1 đại đội cảnh vệ, 4 trung đội pháo cao xạ ở các pháo đài Láng, Xuân Canh, Thổ Khối, Xuân Tảo, với tổng quân số là 2.516 người, được trang bị 1.516 súng trường, 3 trung liên, 1 đại liên, 1 ba-do-ka 60 ly, 1.000 lựu đạn, 80 bom ba càng, 200 chai xăng cơ-rếp, 7 khẩu pháo cao xạ, 1 khẩu sơn pháo 75 ly, 1 khẩu pháo 25 ly, 2 khẩu cối 60 ly. Lực lượng địa phương gần 10.000 người, với Đội tự vệ chiến đấu làm nòng cốt, vũ khí có khoảng 500 - 600 súng trường, 2 trung liên, một số súng ngắn, một số mìn, lựu đạn và giáo mác. Chiến khu tổ chức 13 đội quyết tử đánh xe tăng và 36 tổ du kích đặc biệt.
Để bố trí lực lượng sẵn sàng chiến đấu với địch, nội thành Hà Nội được chia thành 3 liên khu. Liên khu 1 Đông Bắc thành phố, tương đương với quận Hoàn Kiếm ngày nay. Liên khu 2 ở phía Nam, bao gồm toàn bộ quận Hai Bà Trưng ngày nay. Liên khu 3 ở phía Tây, bao gồm quận Đống Đa, một phần quận Ba Đình ngày nay. Để tăng cường lực lượng cho Thủ đô chiến đấu, Bộ Tổng chỉ huy cũng quyết định bổ sung 2 đại đội của Tiểu đoàn 56, Trung đoàn 13 Hà Đông cho Hà Nội.
Với ý chí quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, quân dân Thủ đô chủ động mọi mặt, sẵn sàng cùng quân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến. Khi thực dân Pháp ra “Tối hậu thư”. Chiều 19 tháng 12, Bộ Chỉ huy Chiến khu XI trả lời bằng Mệnh lệnh tấn công. Quân và dân Thủ đô Hà Nội nổ súng “Mở đầu toàn quốc kháng chiến”.
2. Chiến đấu giam chân địch trong thành phố với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” (19/12/1946 – 19/2/1947)
Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lực lượng vũ trang Thủ đô đồng loạt tiến công 21 vị trí quân Pháp đóng quân và hoàn toàn làm chủ tình thế, dựa vào công sự, chiến lũy và thế liên hoàn của các căn nhà, dãy phố kiên cường chiến đấu gây cho địch nhiều tổn thất. Các chiến sỹ cảm tử quân dũng cảm ôm bom ba càng lao vào diệt xe tăng, thiết giáp, gây nên nỗi khiếp đảm, kinh hoàng cho quân Pháp. Hình ảnh dũng cảm, kiên cường của các chiến sĩ cảm tử quân trở thành biểu tượng của ý chí tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Trên toàn thành phố, các cuộc tập kích địch liên tiếp nổ ra, ngăn chặn bước tiến của địch. Mỗi căn nhà, mỗi góc phố, mỗi xóm làng nội, ngoại thành Hà Nội thực sự là một pháo đài chiến đấu kiên cường, vững chắc.
Vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, theo đề nghị của Ủy ban kháng chiến Liên khu 1, để tập trung chỉ huy tác chiến, Khu ủy và Bộ Chỉ huy Chiến khu XI quyết định thành lập Trung đoàn Liên khu 1. Ngày 6 tháng 1 năm 1947, lễ thành lập Trung đoàn Liên khu 1 được tổ chức trọng thể tại số 51 phố Hàng Bồ. Lực lượng nòng cốt để thành lập Trung đoàn Liên khu 1 là 2 đại đội Vệ quốc đoàn thuộc Tiểu đoàn 101, lực lượng bổ sung phần lớn là tự vệ, công an xung phong và các tầng lớp nhân dân đủ các lứa tuổi, thành phần như: công nhân, viên chức, học sinh, tiêu thương, các văn nghệ sĩ, người làm thuê và cả các nhà tư sản...quân số lên tới 5.600 người. Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ nhật họp ngày 12 tháng 1 năm 1947, tại Chúc Sơn (Chương Mỹ), quyết định tặng Trung đoàn Liên khu 1 của Hà Nội danh hiệu Trung đoàn Thủ đô. Trung đoàn Thủ đô là trung đoàn đầu tiên được thành lập trong khói lửa của cuộc kháng chiến. Sự ra đời của Trung đoàn tạo nên sức mạnh to lớn cho cuộc chiến đấu của Thủ đô Hà Nội.
Cùng với việc thành lập Trung đoàn Thủ đô, Bộ Tổng chỉ huy tăng cường cho Mặt trận Hà Nội Tiểu đoàn 45 (Trung đoàn 9 Sơn Tây) và Tiểu đoàn 64 (Trung đoàn 13 Hà Đông) để tăng sức mạnh chiến đấu, ngăn chặn địch đánh ra ngoại thành và bảo vệ Liên khu I. Cuộc chiến đấu giam chân địch trong thành phố của quân dân Thủ đô được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo sâu sát từng ngày. Nhân dịp Tết Đinh Hợi (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Người viết:
“...Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau...”.
Để xứng đáng với niềm tin yêu của Người, đêm 30 Tết, các chiến sĩ Hà Nội đã mở đợt tấn công địch ở nhiều nơi và cắm cờ đỏ sao vàng trên đỉnh Tháp Rùa, thể hiện tinh thần kiên cường bất khuất và quyết tâm chiến đấu với quân thù, giữ vững các vị trí trọng yếu, ngăn chặn địch tiến công, gây cho địch tổn thất nặng nề. Tại Nhà Xô Va (nằm trên đường Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm ngày nay), ta diệt và làm bị thương 40 tên địch, đốt cháy 1 xe tăng, 1 xe thiết giáp. Trận Đồng Xuân, ta tiêu diệt gần 200 tên địch. Chiến công của Trung đoàn Thủ đô được Bác Hồ khen ngợi: "Các chú giam chân địch một tháng là thắng lợi. Đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi".
Đứng trước tình hình khó khăn, để bảo toàn lực lượng, ngày 15 tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng chỉ huy quyết định cho Trung đoàn Thủ đô bí mật rút quân bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Nhờ tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, mưu trí, sáng tạo, ý chí quyết tâm cao, được nhân dân và du kích Tứ Tổng (nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ), du kích Xuân Canh, Tàm Xá (nay thuộc Đông Anh), Phúc Xá (nay thuộc quận Ba Đình), hết lòng giúp đỡ, Trung đoàn Thủ đô với đầy đủ vũ khí phương tiện đã rút khỏi thành phố trong vòng vây khép kín của kẻ thù vượt qua sông Hồng, lên Chiến khu bảo đảm bí mật, an toàn. Nghe tin Trung đoàn Thủ đô rút quân thắng lợi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen:
“...Các chiến sĩ đã chiến đấu 2 tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa Thủ đô Hà Nội. Các chiến sĩ đã nêu cao tinh thần oanh liệt của dân Việt và thanh danh rực rỡ của Quân đội quốc gia Việt Nam. ..
Các chiến sĩ lại mở được con đường máu vượt qua vòng vây quân địch để thực hiện chỉ thị bảo toàn chủ lực. Các chiến sĩ sẽ tiếp tục chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta sẽ chiến đấu 10 năm hay lâu hơn nữa nếu cần...”
Đợt chiến đấu mở đầu Toàn quốc kháng chiến của quân dân Hà Nội đã kết thúc thắng lợi, góp phần quan trọng bảo vệ cơ quan Trung ương, Chính phủ, các đoàn thể và các cơ quan của thành phố rút lên Chiến khu an toàn, làm thất bại hoàn toàn âm mưu chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, đã viết nên một bản hùng ca bất tử.
3. Phát triển và đẩy mạnh chiến tranh du kích góp phần đưa cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện đến thắng lợi, tiếp quản giải phóng Thủ đô (1947 - 1954)
Sau khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu 1, lực lượng chủ lực của Chiến khu XI bao gồm Tiểu đoàn 145, Tiểu đoàn 523 và Tiểu đoàn 77. Bộ Chỉ huy Chiến khu đã quyết định sáp nhập các đơn vị thành Trung đoàn 80. Lực lượng vũ trang Thủ đô tiếp tục tổ chức các trận chiến đấu ngăn chặn địch và phản kích chiếm lại mục tiêu, gây tổn thất lớn cho địch. Điển hình là các trận đánh: Trận tiến công thị xã Hà Đông, từ đêm 18 tháng 3 đến sáng 20 tháng 3 năm 1947, dưới sự chỉ huy của đồng chí Vương Thừa Vũ, Tiêu đoàn 56, Tiêu đoàn 64 và Tiểu đoàn 523 đã diệt 88 tên địch, phá hủy 1 khẩu 12,7 mm và 1 xe Jép; trận chiến đấu phòng ngự ở Cự Đà (Hà Đông), do bị địch tấn công bất ngờ, nên lực lượng của ta tuy chỉ có 4 cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Trung đội 517, Đại đội 2, Quận 5, nhưng đã mưu trí, ngoan cường chiến đấu, trong một ngày, đánh bại nhiều cuộc tiến công liên tục của 1 đại đội lính Pháp và lê dương có xe tăng và cơ giới yểm trợ, buộc chúng phải rút quân. Đây là một trận đánh tiêu biểu cho ý chí kiên cường bất khuất, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng không chịu đầu hàng giặc của cán bộ chiến sĩ Mặt trận Hà Nội. Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã ghi nhận: “Trận Cự Đà thật đáng nêu gương cho toàn quốc noi theo”.
Ngày 25 tháng 7 năm 1947, theo quyết định của Trung ương, địa bàn Chiến khu XI được mở rộng bao gồm Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây. Để thúc đẩy việc gây dựng cơ sở ở Hà Nội, tháng 9 năm 1947, Khu ủy XÌ quyết định lập lại Thành uỷ Hà Nội, đến tháng 11 năm 1947 đồng chí Lê Quang Đạo được cử làm Bí thư thay đồng chí Đào Văn An. Khu ủy cũng quyết định sáp nhập 4 huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai và Thanh Trì của tỉnh Hà Đông vào Hà Nội để mở rộng địa bàn hoạt động của lực lượng vũ trang Hà Nội. Thành uỷ Hà Nội đã chia địa bàn Hà Nội, gồm cả nội thành, 3 quận ngoại thành và 4 huyện mới sáp nhập thành hai Liên Quận huyện 1 và 2. Trung đoàn 80 đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 48.
Ngày 20 tháng 9 năm 1947, Bộ Chỉ huy Chiến khu XÌ quyết định thành lập Thành đội bộ dân quân Hà Nội với nhiệm vụ chăm lo phát triển lực lượng dân quân du kích và chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích trong thành phố. Thành đội lúc đầu đứng chân trên đất Cần Kiệm (huyện Thạch Thất). Sau đó chuyển đến các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức.
Ngày 25 tháng 1 năm 1948, thực hiện Sắc lệnh số 120-SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hợp nhất các khu thành liên khu, Bộ Quốc phòng tổ chức lại các khu trong cả nước. Tại Bắc Bộ, Chiến khu I và XII được nhập lại thành Liên khu I, Chiến khu XI được hợp nhất với các Chiến khu II, III thành Liên khu III, Chiến khu IV đổi là Liên khu IV bao gồm cả Bình- Trị- Thiên. Bộ Tư lệnh Liên khu III trực tiếp phụ trách về mặt quân sự với các mặt trận Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây.
Ngày 12 tháng 5 năm 1948, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định 180.TCH, Trung đoàn 48 được mang danh hiệu Trung đoàn Thăng Long. Đây là một vinh dự đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48.
Tháng 10 năm 1948, Trung ương Đảng quyết định tách Hà Nội ra khỏi Liên tỉnh Lưỡng Hà, thành Khu đặc biệt do Liên khu ủy III phụ trách. Tháng 11 năm 1948, Thành uỷ Hà Nội được lập lại. Từ ngày 23 tháng 12 năm 1948 đến tháng 6 năm 1949, ta phát động chiến dịch tổng phá tề. Trong chiến dịch này, ta phá được 23 ban tề, bắt 83 nhân viên tề ra vùng tự do, diệt trừ được một số tên Việt gian.
Ngày 11 tháng 5 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh đặt Ủy ban kháng chiến Hà Nội trực thuộc Chính phủ. Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo Đặc khu Hà Nội. Đồng chí Trần Quốc Hoàn được chỉ định làm Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội.
Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Mặt trận Hà Nội. Ban Chỉ huy Mặt trận. Hà Nội không chỉ trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy Lực lượng vũ trang Thủ đô mà còn có trách nhiệm phối hợp tổ chức cho lực lượng vũ trang khác hoạt động trên địa bàn Hà Nội như Trung đoàn Thăng Long, các đơn vị biệt động của Liên khu III.
Thành ủy và Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội thường xuyên phát động các đợt hoạt động, phối hợp chặt chẽ với chiến trường toàn quốc. Hà Nội vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến trong cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của dân tộc. Các trận đánh của Lực lượng vũ trang Thủ đô gây tổn thất lớn cho địch, khiến cho trung tâm bộ máy điều hành chiến tranh của thực dân Pháp trên chiến trường Đông Dương khiếp sợ.
Từ cuối năm 1949 đến hết mùa xuân năm 1950, quân và dân Hà Nội đã đánh hơn 200 trận và tổ chức hàng chục cuộc đấu tranh chính trị. Ta dùng các hình thức tập kích, phục kích, pháo kích, gài mìn và đánh địch bằng nhiều loại vũ khí, đã diệt hàng trăm tên, bắt sống 34 tên và vận động nhiều sĩ quan, binh lính ngụy bỏ hàng ngũ địch, đi theo kháng chiến. Đặc biệt, trong trận tập kích sân bay Bạch Mai ngày 18 tháng 1 năm 1950, 32 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 108 đã phá hủy 25 máy bay, 60 vạn lít xăng dầu, 32 tấn vũ khí và một số trang bị của địch.
Từ năm 1951 đến 1954, Lực lượng vũ trang Thủ đô phối hợp chặt chẽ với các chiến trường, làm nòng cốt cho nhân dân Thủ đô đẩy mạnh đấu tranh toàn diện với địch, đồng thời tổ chức nhiều trận đánh, gây cho địch tổn thất lớn, buộc chúng phải phân tán lực lượng, tạo điều kiện cho quân ta tiến công địch trên các chiến trường. Điển hình là trận đánh sân bay Gia Lâm ngày 3 tháng 3 năm 1954, do 16 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 26 Mặt trận Hà Nội và 3 cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương huyện Gia Lâm thực hiện, đã phá hủy 18 máy bay các loại, đốt cháy 1 kho xăng, diệt 16 tên địch, làm gián đoạn cầu hàng không tiếp tế của địch cho Điện Biên Phủ.
Ngày 7 tháng 5 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ngày 21 tháng 7 năm 1954, Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết. Thực dân Pháp phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, Lào và Campuchia, Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, thành phố Hà Nội còn nằm trong vùng tập kết của quân đội Pháp 80 ngày trước khi bàn giao cho ta.
Tiếp quản Thủ đô Hà Nội, là nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ, vô cùng phức tạp. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục các đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô. Ngày 19 tháng 9 năm 1954, tại Đền Hùng (Phú Thọ) nói chuyện với cán bộ Đại đoàn 308 trên đường tiến về tiếp quản Thủ đô, Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.... Tám chín năm nay do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội, vì thế các chủ được Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, là nhận được một vinh dự rất lớn...”.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Thành ủy Hà Nội, Lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực, kiên cường, mưu trí đấu tranh làm thất bại âm mưu hoạt động phá hoại của địch. Ngày 10 tháng 10 năm 1954, Hà Nội rợp cờ hoa, năm cửa ô tưng bừng đón mừng những đoàn quân hùng dũng tiến vào giải phóng, tiếp quản Thủ đô Hà Nội hầu như còn nguyên vẹn. Đó là cách kết thúc một cuộc chiến tranh rất đặc biệt, rất độc đáo, rất “Việt Nam”. Đồng thời, vừa là kết quả, vừa là sự thể hiện sinh động truyền thống đạo lý nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Thắng lợi đó góp phần tô đậm, làm phong phú và nâng nghệ thuật quân sự đặc sắc “quyết chiến, quyết thắng, biết đánh, biết thắng” của dân tộc Việt Nam, của Thăng Long - Hà Nội lên tầm cao mới.
III. Lực lượng vũ trang Thủ đô trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Song, đế quốc Mỹ, với bản chất hiếu chiến, phản cách mạng đã tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới.
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đề ra đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Quán triệt, thực hiện đường lối của Đảng, quân dân Thủ đô Hà Nội, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, tích cực chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Sau ngày tiếp quản Thủ đô đến năm 1960, là thời kỳ Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung củng cố lực lượng, tham gia ổn định chính trị, trật tự xã hội, khôi phục, phát triển kinh tế sau chiến tranh.
Những thành tích bước đầu của các lực lượng vũ trang bảo vệ Thủ đô được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi, Người viết: “Trước ngày các chú vâng lệnh về Thủ đô, Bác đã dặn dò các chú điều gì nên làm, điều gì nên tránh. Khi vào tiếp quản Thủ đô các chú đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ như lời Bác dặn: cùng anh em công an và nhân dân giữ gìn trật tự trị an, giữ đúng kỷ luật, bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào và ngoại kiều... Bác vui lòng khen ngợi các chú....
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Lực lượng vũ trang Thủ đô đã nhanh chóng củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng theo Nghị quyết 12 của Trung ương Đảng “Tiến dần từng bước lên chính quy và hiện đại”. Thành đội Hà Nội cùng với hệ thống các khu đội, huyện đội, xã đội đã ra đời thay thế Mặt trận Hà Nội và hệ thống quân sự địa phương cũ trong chiến tranh. Lực lượng vũ trang Thủ đô đã góp phần tích cực cùng các lực lượng khác giữ vững ổn định chính trị ở Thủ đô, sẵn sàng chiến đấu, chi viện chiến trường, cùng nhân dân thành phố khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế văn hóa, tạo ra tiềm lực vật chất, chính trị và tinh thần, làm cơ sở xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Trước yêu cầu của nhiệm vụ quân sự, sẵn sàng đối phó với âm mưu mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ, ngày 1 tháng 9 năm 1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 102/QĐ/QP thành lập Bộ Tư lệnh Thủ đô để thống nhất chỉ huy các lực lượng vũ trang ở Hà Nội.
Bộ Tư lệnh Thủ đô nhanh chóng phát triển lực lượng, xây dựng thế trận, sẵn sàng đánh trả máy bay địch, tích cực tham mưu với Thành ủy về công tác phòng không nhân dân. Trong vai trò thường trực Hội đồng phòng không nhân dân thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chỉ đạo các ngành, các cấp tích cực triển khai chuẩn bị có hiệu quả các mặt công tác phòng không nhân dân, sẵn sàng đối phó với các hành động đánh phá của địch.
Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc, ngày 17 tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào chiến sĩ đẩy mạnh kháng chiến chống Mỹ cứu nước: “.. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ 17 tháng 7 đến 17 tháng 8 năm 1966, miền Bắc đã bắn rơi 138 máy bay địch. Riêng ngày 14 tháng 12 năm 1966, bộ đội không quân, cao xạ, tên lửa, dân quân, tự vệ Hà Nội đã bắn rơi 8 máy bay địch, trong đó có chiếc thứ 1.600 bị bắn rơi trên miền Bắc.
Với những thành tích nổi bật của quân dân Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen “... Quân và dân Hà Nội càng đánh càng giỏi, đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 1.600 trên miền Bắc. Hà Nội vừa chiến đấu khá, vừa sản xuất khá, vừa giữ gìn trật tự trị an tốt... Bác tặng Thủ đô lá cờ: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Ngày 19 tháng 5 năm 1967, quân và dân toàn thành phố đã bắn rơi 10 máy bay, bắt sống phi công nhảy dù xuống địa bàn, làm thất bại thủ đoạn dùng bom “Tinh khôn” để phá hủy nhà máy điện, giữ vững sản xuất và trật tự trị an, giao thông công cộng. Đây là chiến công lớn của quân và dân Thủ đô, món quà mừng sinh nhật lần thứ 77 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện quân tăng cường cho chiến trường miền Nam với khối lượng lớn và chất lượng cao, tháng 8 năm 1967, Bộ Tư lệnh Thủ đô quyết định thành lập Đoàn 1867, sau này chuyển thành Trung đoàn 59 với biên chế khung hoàn thiện hơn.
Do thất bại trên các chiến trường, ngày 31 tháng 3 năm 1968, Tổng thống Mỹ Giôn - xơn tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị thương lượng với chính phủ ta. Trên thế thắng và với thái độ thiện chí, phái đoàn ta đã đến Pa-ri đàm phán với phía Mỹ.
Sau Tết Mậu Thân, công tác động viên, tuyển quân trở thành nhiệm vụ lớn nhất trong công tác quân sự địa phương toàn thành phố đã xây dựng được 107 đội dự bị động viên. Từ tháng 8 năm 1967, trước yêu cầu khẩn trương về lực lượng của tiền tuyến lớn, Bộ Tư lệnh Thủ đô còn được giao nhiệm vụ trực tiếp xây dựng và huấn luyện quân tăng cường cho miền Nam. Đầu tháng 8 năm 1968, 5 tiểu đoàn quân tăng cường lần lượt lên đường, kịp thời bổ sung lực lượng chiến đấu cho chiến trường miền Nam. Trong 6 tháng cuối năm, Hà Nội tiếp tục huấn luyện 7 tiểu đoàn.
Để cứu vãn nguy cơ phá sản chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, chính quyền Nich- xơn chủ trương “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đế quốc Mỹ đã mở chiến dịch “Lai - nơ - bếch- cơ I”, đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Trong hơn 6 tháng quân và dân Hà Nội đã đánh 28 trận vừa và nhỏ, bắn rơi 63 máy bay địch, bắt sống phi công nhảy dù xuống địa bàn. Riêng dân quân, tự vệ bắn rơi 5 máy bay.
Tháng 12 năm 1972, tại Hội nghị Pa-ri, Tổng thống Ních-xơn lật lọng, cho ngừng đàm phán ở Pa-ri từ ngày 13 tháng 12 năm 1972.
Ngày 14 tháng 12, Ních-xơn phê chuẩn kế hoạch mở cuộc tập kích chiến lược mang mật danh “Lai-nơ-bếch-cơ II”, đánh phá ồ ạt bằng không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng.
Từ ngày 18 đến ngày 29 tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ đã huy động tối đa sức mạnh không lực Hoa Kỳ đánh phá hủy diệt Hà Nội. Chúng sử dụng 444 lần chiếc máy bay chiến lược B52, hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật, trong đó có hàng trăm lần chiếc F111, trong 10 ngày đêm, chúng đã ném khoảng 10.000 tấn bom đạn xuống 4 thị trấn, 39 khối phố, 67 xã và 4 khu vực đông dân.
Không khuất phục, quân dân Hà Nội phối hợp chặt chẽ với lực lượng Phòng không, Không quân quốc gia kiên cường, dũng cảm chiến đấu bắn rơi 32 máy bay, trong đó có 25 chiếc máy bay B52, 2 F111 và 5 máy bay chiến thuật. Chiến thắng của quân dân Hà Nội đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, làm tiêu tan huyền thoại sức mạnh không lực Hoa Kỳ. Hà Nội không trở về “thời kỳ đồ đá” mà trở thành “Thủ đô phẩm giá của con người”, buộc đế quốc Mỹ ký kết Hiệp định Pa-ri “Về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam”, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu khỏi miền Nam Việt Nam, tạo nên thời cơ chiến lược cho cách mạng Việt Nam tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đáp ứng yêu cầu của chiến trường, năm 1973, Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức 3 đợt động viên tuyển quân với 4.563 thanh niên nhập ngũ. Trên 4.000 chiến sĩ mới được biên chế thành 7 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 59, làm nhiệm vụ xây dựng quân tăng cường chi viện chiến trường.
Cùng với nhiệm vụ chi viện miền Nam, quân và dân Thủ đô còn hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế. Trong quý 4 năm 1973, quân dân Thủ đô đã đón tiếp, đưa tiễn 1.597 cán bộ, chiến sĩ cách mạng Lào, bốc xếp giúp bạn 1.386 tấn lương thực hàng hóa trên 230 chuyến máy bay vận tải quân sự, đáp ứng kịp thời việc chuẩn bị lực lượng và hàng hóa vào hai thành phố Viêng Chăn và Luông Pra Băng theo hiệp định lập lại hòa bình, hòa hợp dân tộc ở Lào.
Trước tình hình chiến trường miền Nam có những chuyển biến ngày càng có lợi cho ta, từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 4 tháng 10 năm 1974, và tiếp đó từ ngày 18 tháng 12 năm 1974 đến ngày 08 tháng 01 năm 1975, Bộ Chính trị họp, hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976; đồng thời dự kiến “nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
Trong năm 1974, đầu năm 1975 các tiểu đoàn quân tăng cường của Hà Nội lần lượt lên đường bổ sung cho các chiến trường, chi viện cho công cuộc giải phóng miền Nam. Toàn Thành phố có 8.212 thanh niên, trong đó có trên 1.300 cán bộ chuyên môn, kỹ thuật của các ngành kinh tế quốc dân, 175 y sĩ, bác sĩ được điều động vào quân đội, phục vụ chiến trường.
Trong suốt thời kỳ chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, các lực lượng vũ trang bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi 358 máy bay các loại, trong đó có nhiều máy bay B52, F111 và nhiều loại máy bay hiện đại khác. Riêng dân quân tự vệ Thủ đô đã bắn rơi 8 máy bay địch. Bằng bố trí trận địa hiểm hóc và hành động chiến đấu mưu trí, dũng cảm, lưới lửa tầm thấp của lực lượng vũ trang Thủ đô góp phần hình thành thế trận phòng không nhân dân hiệu quả, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các lực lượng khác bắn rơi nhiều máy bay địch, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô.
Từ năm 1965 đến 1975, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tổ chức 29 đợt động viên tuyển quân, với hơn 89.000 thanh niên lên đường chiến đấu. Bộ Tư lệnh Thủ đô đã trực tiếp tổ chức huấn luyện, đưa 42 tiểu đoàn quân tăng cường cho chiến trường miền Nam, nhiều đơn vị, nhiều cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường đã lập công xuất sắc, trong đó có 14 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 1.781 người được tặng thưởng danh hiệu dũng sĩ, được tặng 14.846 huân chương các loại. Hơn 11.000 đồng chí đã hy sinh anh dũng trên các chiến trường.
Tháng 4 năm 1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Quyết định hợp nhất tỉnh Hà Đông và Sơn Tây thành đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Hà Tây. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng vũ trang Hà Tây thuộc Quân khu Hữu Ngạn. Tuy nhiên, do vị trí địa lý và bề dày lịch sử văn hóa truyền thống, nên lực lượng vũ trang Hà Tây luôn gắn bó, quan hệ mật thiết với lực lượng vũ trang Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Trong chiến đấu, lực lượng vũ trang Hà Tây tạo nên “Vòng cung lửa” ngăn chặn không quân Mỹ đánh phá Hà Nội, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, bắn rơi 83 máy bay, bắt sống phi công. Trong 12 ngày đêm trận “Điện Biên Phủ trên không”, Lực lượng vũ trang Hà Tây đã bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ, trong đó có 01 máy bay chiến lược B52 và 01 máy bay F111.
Cùng với hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, quân dân Hà Tây hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam, Hà Tây là quê hương của phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, quê hương “Chiếc gậy trường sơn” biểu tượng của phong trào sẵn sàng tòng quân giết giặc của thanh niên miền Bắc. Từ năm 1965 đến năm 1975, Hà Tây thực hiện 32 đợt tuyển quân, với tổng số 174.000 người. Trung đoàn 12 của Tỉnh đã huấn luyện 77 tiểu đoàn tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam.
Sự đóng góp chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam của quân và dân Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hà Tây góp phần tạo tiềm lực, thế lực mới và thời cơ cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Từ ngày 26 đến 30 tháng 4 năm 1975, ta tổng công kích giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn - Gia Định, đồng bằng sông Cửu Long và toàn bộ vùng đất, vùng biển, các đảo của Tổ quốc. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, Cờ Giải phóng tung bay trước tòa nhà chính của Dinh Độc Lập báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong các cánh quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, có nhiều người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch.
Trong sự yêu thương đùm bọc của nhân dân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội, Lực lượng vũ trang Thủ đô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
IV. Lực lượng vũ trang Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (1976 - 2021)
1. Lực lượng vũ trang Thủ đô trong những năm đầu cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1976 - 1986)
Những năm 1976 - 1986, Lực lượng vũ trang Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, từng bước trưởng thành, cùng các tầng lớp nhân dân bảo vệ, kiến thiết xây dựng Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Từ năm 1976 đến tháng 2 năm 1979, Lực lượng vũ trang Thủ đô vừa củng cố xây dựng lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô trong điều kiện, hoàn cảnh mới, vừa cùng các tầng lớp nhân dân Thủ đô khôi phục phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh và huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng thế trận bảo vệ Thủ đô, rà phá bom, mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh. ...
Tháng 2 năm 1979 đáp ứng yêu cầu tăng cường lực lượng chiến đấu bảo vệ biên giới, 4 huyện ngoại thành Hà Nội (Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì) đã kịp thời thành lập tiểu đoàn bộ đội địa phương, tăng cường lực lượng cho các mặt trận. Trong đó, Tiểu đoàn bộ đội địa phương huyện Đông Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiến đấu phòng ngự đồi Pò Pó (Cao điểm 282) xã Tân Lang, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, trong ngày 4 tháng 3 năm 1979, đã đánh lui 20 đợt tiến công liên tục của 2 trung đoàn địch, làm thất bại âm mưu thọc sâu, vu hồi của địch, góp phần giữ vững biên cương Tổ quốc.
Đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, ngày 5 tháng 3 năm 1979, Bộ Chính trị ra Quyết định số 35/QĐ-TW, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Sắc lệnh số 28/LCT thành lập Quân khu Thủ đô (trên cơ sở Bộ Tư lệnh Thủ đô). Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu. Đồng chí Thiếu tướng Lư Giang làm Phó Tư lệnh.
Quân khu Thủ đô đảm nhiệm trên hướng chủ yếu, địa bàn chiến lược của quốc gia - Thủ đô Hà Nội. Địa giới hành chính quân sự của Quân khu Thủ đô là toàn bộ thành phố Hà Nội bao gồm 4 quận và 12 huyện, thị xã, với diện tích 12.122,8 km2, dân số là 2.556.991 người. Giới tuyến phòng thủ và tác chiến của Quân khu Thủ đô: Phía Bắc gồm Việt Trì (bao gồm cả thành phố Việt Trì), Tam Đảo (gồm cả đỉnh núi Tam Đảo), Phổ Yên (không bao gồm thị trấn Phú Bình), ven sông Máng qua Bắc Thái, Mỏ Thổ (bao gồm núi Mỏ Thổ), thị xã Bắc Giang (bao gồm cả thị xã Bắc Giang); phía Tây đến hữu ngạn sông Đà, phía Đông từ thị xã Bắc Giang ven theo sông Thương đến Phả Lại (trừ thị trấn Phả Lại); Đông Nam giáp Hưng Yên và Hà Nam.
Bộ Tư lệnh Quân khu, các cơ quan Bộ Tư lệnh, các nhà trường và các sự đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực nhanh chóng được tổ chức xây dựng đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong mọi tình huống.
Trong thời gian ngắn, các tầng lớp nhân dân Thủ đô hăng hái tham gia xây dựng công trình chiến đấu, các phòng tuyến bảo vệ Thủ đô, góp hàng chục vạn công, đào đắp hàng chục vạn mét khối đất, đá, vượt định mức bình quân mỗi lao động 32,4%, vượt khối lượng đào đắp hơn 67.000 mét khối, tiết kiệm gần 17.000 ngày công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đồng thời, Lực lượng vũ trang Thủ đô còn hoàn thành nhiệm vụ chi viện lực lượng làm đường cho Quân khu II trên mặt trận Hà Tuyên. Năm 1986, Quân khu Thủ đô cải tạo mặt đường Khuổi Mại - Phin Sang dài 7 km và mở mới mạng đường ngang nối từ Hang Hòn đi Khau Dù dài 12 km, hoàn thành trước thời hạn 34 ngày.
Kết quả xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận và thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn 1975 - 1986, Lực lượng vũ trang Thủ đô đã góp phần quan trọng cùng các tầng lớp nhân dân Hà Nội bảo vệ, xây dựng, kiến thiết Thủ đô ngày càng giàu đẹp và làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch.
2. Lực lượng vũ trang Thủ đô trong thời kỳ đầu thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1987 - 2000)
| Trong giai đoạn 1987 - 2000, Thủ đô Hà Nội cùng cả nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa với những khó khăn, thử thách. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chống phá quyết liệt phong trào cách mạng thế giới. Cách mạng Việt Nam một lần nữa phải đối mặt với những khó khăn hết sức gay gắt. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI xác định: “Trong giai đoạn mới phải xây dựng quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, có tổ chức hợp lý, cân đối, gọn và mạnh, có kỷ luật chặt chẽ, có trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu cao... Thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo đối với quân đội và sự nghiệp quốc phòng, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Lực lượng vũ trang Thủ đô kiên định, vững vàng, đoàn kết, sáng tạo vượt mọi khó khăn, góp phần làm thất bại các âm mưu và thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, tạo thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới đất nước và Thủ đô giành được nhiều thắng lợi.
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Ngày 18 tháng 8 năm 1999, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 1285/QĐ-QP chuyển giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây từ Quân khu III về trực thuộc Quân khu Thủ đô; ngày 20 tháng 8 năm 1999, Bộ Quốc phòng tiếp tục ra Quyết định số 1307/QĐ-QP thành lập Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hà Nội thuộc Quân khu Thủ đô.
Đảng ủy Quân khu Thủ đô tập trung lãnh đạo ổn định tổ chức biên chế, kiện toàn tổ chức chỉ huy, tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, từng bước đưa các hoạt động của cơ quan, đơn vị vào nền nếp, xác định rõ nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hà Nội và bổ sung nhiệm vụ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây.
Năm 1999, đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng vũ trang Quân khu Thủ đô cả về tổ chức lực lượng và thế trận. Địa giới hành chính quân sự của Quân khu Thủ đô mở rộng gồm diện tích tự nhiên của cả thành phố Hà Nội và của tỉnh Hà Tây. Lực lượng vũ trang Thủ đô xây dựng phát triển lớn mạnh gồm Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hà Nội, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây và các cơ quan, đơn vị chủ lực thuộc Quân khu Thủ đô Hà Nội.
Trong những năm đầu đổi mới đất nước, Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để Hà Nội xứng đáng trở thành “Thành phố vì hòa bình”, tạo điều kiện cho sự phát triển vững chắc trong thế kỷ XXI.
3. Nâng cao sức mạnh chiến đấu, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (2001 - 2007)
Bước sang thế kỷ XXI, khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển như vũ bão, tác động vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển là nhu cầu và là xu hướng chung của mọi quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến, phản cách mạng, chủ nghĩa đế quốc dùng mọi thủ đoạn hòng thực thi các chính sách nhằm áp đặt giá trị tư bản đối với mọi quốc gia dân tộc, lôi kéo nhiều nước tham gia vào các cuộc chiến tranh xâm lược phủ nghĩa. Những hành động đi ngược xu thế và lợi ích chung đã gây nên các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo liên tục diễn ra. Nạn khủng bố đã và đang là mối đe dọa, thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và 15 năm thực hiện đường lối đổi mới cách mạng nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: chính trị-kinh tế-văn hóa, xã hội ổn định và phát triển, vị thế Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế. Cách mạng Việt Nam có thể và lực mới, tuy nhiên, còn đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn.
Quán triệt quan điểm, đường lối, phương hướng, nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong tình hình mới, Lực lượng vũ trang Thủ đô tiếp tục xây dựng lực lượng bộ đội thường trực “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ “Vững mạnh, rộng khắp”, có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh; nâng cao kiến thức toàn diện; trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ địa bàn Quân khu; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, tỉnh, thành phố vững chắc; bảo đảm hậu cần, kỹ thuật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, chất lượng tốt cho các nhiệm vụ, góp phần đánh bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
- Đảng bộ Quân khu tập trung xây dựng tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; xây dựng các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, đạt độ vững chắc; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ số lượng chất lượng cao. Nhiều nội dung công tác quốc phòng, quân sự địa phương đi đầu toàn quốc và khu vực: Đào tạo thí điểm Chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn với 9 khóa cho 1.000 đồng chí, đào tạo 766 sỹ quan dự bị; 183 giáo viên dạy môn giáo dục quốc phòng và xây dựng công trình phòng thủ bằng ngân sách địa phương. Quy hoạch thế trận quân sự khu vực tỉnh....
Kết quả thực hiện nhiệm vụ trên các mặt công tác của lực lượng vũ trang Thủ đô góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội.
4. Lực lượng vũ trang Thủ đô đổi mới toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong thời kỳ mới (2008 - 2016)
Đáp ứng yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng bảo vệ Thủ đô Hà Nội nói riêng, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII, ngày 29 tháng 5 năm 2008, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 15 quyết định mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Theo đó, địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Hà Nội, diện tích tự nhiên của tỉnh Hà Tây, diện tích tự nhiên của huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và diện tích tự nhiên của 4 xã (xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung) thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, Thủ đô Hà Nội mới có diện tích tự nhiên 3.344,47 km2; dân số: 6.232.940 người (đến năm 2014, dân số Hà Nội là 7.319.000 người); Đơn vị hành chính cấp quận, huyện gồm 29 đơn vị: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Hà Đông, Sơn Tây, Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Quốc Oai, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì, Mê Linh (từ tháng 12 năm 2013, huyện Từ Liêm tách thành hai quận: quận Bắc Từ Liêm và quận Nam Từ Liêm, đến tháng 12 năm 2013 Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện).
Trong tiến trình thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII, ngày 16 tháng 7 năm 2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Lệnh Số 16/2008/L-CTN về tổ chức lại Quân khu Thủ đô thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Ngày 25 tháng 7 năm 2008, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số : 2192/QĐ-BQP, 2194/QĐ-BQP hợp nhất Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hà Nội thuộc Quân khu Thủ đô Hà Nội vào Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Quyết định 2196/QĐ-QP sáp nhập Ban Chỉ huy quân sự huyện Mê Linh thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phúc/Quân khu II vào Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, chịu sự quản lý, chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có chức năng tham mưu cho Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ quốc phòng toàn dân và công tác quân sự địa phương; giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng tại địa phương; tổ chức thực hiện xây dựng quản lý chỉ huy các đơn vị lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ thuộc quyền.
Thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng, ngày 28 tháng 7 năm 2008, Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô Hà Nội bàn giao cho Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Đại tá Phí Quốc Tuấn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Đại tá Phùng Đình Thảo, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Thủ đô được bổ nhiệm chức vụ Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và thăng quân hàm Thiếu tướng.
Ngày 30 tháng 7 năm 2008, tại Hội trường Quân khu Thủ đô, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng công bố Lệnh số 16 ngày 16/7/2008 của Chủ tịch nước về tổ chức lại Quân khu Thủ đô thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và trân trọng trao Quân kỳ Quyết thắng cho Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Ngày 26 tháng 8 năm 2008, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức lễ công bố Quyết định số 39-QĐ/TU, ngày 14/8/2008 của Thành ủy Hà Nội về việc thành lập Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trực thuộc Thành ủy Hà Nội. Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội gồm 15 đồng chí, đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy; Thiếu tướng Phùng Đình Thảo, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Đại tá Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được chỉ định làm Phó Bí thư Đảng ủy.
Nhận thức sâu sắc chức năng, nhiệm vụ của mình, với tinh thần đổi mới, sáng tạo và quyết tâm cao, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc Lệnh số 16/2008/L-CTN của Chủ tịch nước và các chủ trương, Quyết định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu, của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Nhanh chóng ổn định tổ chức biên chế các cơ quan, đơn vị theo hướng tăng cường cho cơ sở, bảo đảm quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Tích cực, chủ động tham mưu với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương sau khi thành phố được mở rộng địa giới hành chính không để gián đoạn nhiệm vụ.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội kế thừa và phát huy truyền thống "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Đoàn kết sáng tạo; Đề cao cảnh giác; Tích cực rèn luyện; Sẵn sàng chiến đấu; Đã đánh là thắng", ra sức xây dựng cơ quan đơn vị vững mạnh toàn diện, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân.
Về chính trị: Lực lượng vũ trang Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc với nhân dân; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, thường xuyên quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng.
Về nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật: Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn gương mẫu đi đầu trong chấp hành pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của quân đội; các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp theo quy định của Điều lệnh, Điều lệ Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời luôn quán triệt thực hiện tốt đột phá về xây dựng nét đẹp văn hóa người chiến sĩ Thủ đô.
Về tổ chức biên chế: Các cơ quan, đơn vị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có cơ cấu tổ chức và quân số bước đầu tương đối hợp lý; cán bộ, chiến sĩ có trình độ kỹ thuật, chiến thuật tốt, có kiến thức nhất định về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; huấn luyện đơn vị vừa giỏi hoạt động chiến đấu độc lập, nhỏ lẻ, phân tán, vừa thành thạo chiến đấu tập trung, hiệp đồng binh chủng; đối với dân quân tự vệ phải xây dựng bảo đảm vững mạnh và rộng khắp, coi trọng chất lượng là chính, có lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, có binh chủng chuyên môn kỹ thuật cần thiết; đối với lực lượng dự bị động viên luôn bảo đảm đủ số lượng, đúng chuyên nghiệp quân sự, gọn địa bàn, trình độ sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao.
Về trang bị, kỹ thuật, hậu cần: Các cơ quan, đơn vị được trang bị vũ khí kỹ thuật theo biên chế, đồng thời từng bước đầu tư đổi mới vũ khí trang bị ngày càng hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Thường xuyên chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ: Lực lượng vũ trang Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn kiên định, vững vàng, duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình địa bàn, phối hợp với công an Thành phố và các lực lượng bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt là các hoạt động Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010); Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI và Đại hội lần thứ XII của Đảng; Bầu cử Quốc hội khoá XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016; Bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; các Hội nghị Quốc tế do Việt Nam chủ trì, đăng cai.
| Chủ động, tích cực tham mưu với Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; kết hợp phát triển kinh tế- xã hội với quốc phòng; tăng cường công tác bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng- an ninh cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các đối tượng; phát huy vai trò các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn trong bảo vệ an ninh- chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Thủ đô; phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn, xây dựng địa bàn an toàn gắn với đơn vị an toàn, cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. Thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời phối hợp với các lực lượng thực hiện các biện pháp xử lý hiệu quả các vụ việc phức tạp về tôn giáo, an ninh trật tự đúng chức năng, nhiệm vụ, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội luôn tích cực, chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như: phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; phòng, chống, khắc phục hậu quả cháy rừng, cháy chợ, cháy nhà trong đô thị, trong khu dân cư; rà phá bom, mìn, vật liệu nổ, khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường đất, bảo đảm an toàn cho các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, trong trận mưa lũ lịch sử trên địa bàn cuối tháng 10 năm 2008, đã phối hợp với các lực lượng đóng quân trên địa bàn, huy động 83.000 lượt cán bộ, chiến sỹ thường trực và dân quân tự vệ, hàng trăm tàu xuồng, thuyền, ô tô, cầu phà ứng cứu, khắc phục hậu quả, cứu hộ, cứu nạn, sơ tán trên 17.450 hộ dân, bảo vệ an toàn 28.105 km đề và trạm bơm Yên Sở, có ý nghĩa quyết định đến việc giải quyết lụt, úng của Thành phố.
Công tác xây dựng, huấn luyện lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên, công tác đào tạo dạy nghề đạt những tiến bộ mới, giành nhiều thành tích cao trong hội thi, hội thao toàn quân; có những biện pháp mới nâng cao chất lượng công tác quân sự ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức thành công cuộc diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội năm 2013; hằng năm, lãnh đạo chỉ đạo từ 5 đến 6 quận, huyện, thị xã diễn tập khu vực phòng thủ, 20% số xã, phường, thị trấn diễn tập chiến đấu phòng thủ, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác quân sự quốc phòng cho cấp ủy, chính quyền các cấp; phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn.
Công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang Thủ đô được chú trọng, chất lượng, hiệu quả các mặt hoạt động công tác ngày càng nâng cao. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, bám sát nhiệm vụ chính trị của lực lượng vũ trang Thủ đô. Công tác tổ chức xây dựng đảng, công tác cán bộ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện đúng nguyên tắc, công khai, dân chủ góp phần thiết thực xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh. Công tác chính sách, hậu phương quân đội, giải quyết tồn đọng sau chiến tranh được triển khai thực hiện kịp thời, chu đáo, đúng đối tượng, nhất là các đối tượng theo Quyết định 290, Quyết định 142, Quyết định 62 và Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức các hoạt động công tác dân vận, thường xuyên tổ chức tốt nhiệm vụ kết hợp huấn luyện hành quân dã ngoại với tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; duy trì nghiêm túc, hiệu quả phong trào thi đua “Bộ đội và Dân quân tự vệ Thủ đô chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các tổ chức quần chúng luôn được chăm lo xây dựng, hoạt động có hiệu quả góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện..
5. Nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh (2016 - 2021)
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BTL Thủ đô Hà Nội lần thứ II, LLVT Thủ đô đã phát huy truyền thống anh hùng, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, nắm vững tình hình, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, khắc phục khó khăn triển khai thực hiện hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt và xuất sắc.
Đã chủ động tham mưu với Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành đầy đủ các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; thành lập và duy trì nền nếp hoạt động của các Ban Chỉ đạo, Hội đồng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; các Chương trình hành động, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”, “Chiến lược Quân sự Việt nam”, “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kết luận về triển khai thực hiện Quyết tâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của Tư lệnh BTL Thủ đô Hà Nội. Tham mưu thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Thường vụ Quân ủy Trung ương và Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quân sự, quốc phòng gắn với phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn Thành phố.
Phối hợp tham mưu ban hành và thực hiện hiệu quả Chương trình số 05 CTr/TU của Thành ủy về “Tăng cường quốc phòng-an ninh bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, giai đoạn 2016-2020”; ban hành Quyết định về tổ chức, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 2020; điều chỉnh quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ. Tham gia có chất lượng vào các Chương trình toàn khóa của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII; đồng thời phối hợp với Công an Thành phố tham mưu xây dựng chương trình số 09 của Thành ủy về “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 - 2025”.
Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên; 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng; 10 năm thực hiện nhiệm vụ A2 và phòng chống khủng bố; 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X); 10 năm xây dựng nền quốc phòng toàn dân giai đoạn 2009-2019. Từ năm 2017 đến nay, tham mưu cho Thành phố tổ chức trên 500 lượt cán bộ (5 đoàn) đi thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; hỗ trợ 230 tỷ đồng, xây dựng 06 Nhà Văn hóa Đa năng và tặng nhiều trang, thiết bị phục vụ công tác, sinh hoạt của bộ đội trị giá gần 20 tỷ đồng.
Tập trung xây dựng lực lượng thường trực theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; với chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, trình độ kỹ thuật, chiến thuật tốt. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”; chú trọng xây dựng nâng cao chất lượng toàn diện, trước hết là chất lượng chính trị, tỷ lệ đảng viên tăng 2,4%, đoàn viên tăng 9,7% so với nhiệm kỳ 2010-2015. Xây dựng lực lượng dự bị động viên “hùng hậư”, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng. Hằng năm, hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, tỷ lệ công dân nhập ngũ tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp bình quân đạt 41,1%.
Phối hợp chặt chẽ với Công an Thành phố theo Nghị định số 77/2010/NĐ-CP (nay là Nghị định số 03/2014/NĐ-CP) của Chính phủ; chủ động dự báo nắm chắc tình hình địa bàn, tham mưu xử lý hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự theo đúng chức năng, nhiệm vụ; bảo vệ an toàn tuyệt đối các ngày Lễ, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và Thủ đô, như năm APEC-2017, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên (lần 2) tại Hà Nội, tham mưu phối hợp với các lực lượng bảo vệ xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn (tháng 01/2020), bảo vệ Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng (tháng 01/2021). Tham gia diễn tập tác chiến chiến lược trên hướng chiến trường Miền Bắc MB-17) theo chỉ đạo của Bộ; hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội (HN-19), là địa phương đầu tiên trong cả nước diễn tập phòng thủ dân sự theo Nghị định 02/2013/NĐ-CP của Chính phủ; tổ chức chỉ đạo quận Tây Hồ diễn tập thực nghiệm nội dung quân sự chủ trì tham mưu xử lý tình huống A2, quận Long Biên diễn tập tác chiến không gian mạng: 30/30 quận, huyện, thị xã diễn tập khu vực phòng thủ; 100% các xã, phường, thị trấn diễn tập chiến đấu phòng thủ sát thực tế, chất lượng, an toàn tuyệt đối.
Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn; kịp thời huy động gần 60 nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ và 2 nghìn lượt phương tiện tham gia khắc phục hậu quả gần 2.000 vụ thiên tai, cháy, nổ, cháy rừng, sự cố môi trường, cứu hộ, cứu nạn; điển hình như ô nhiễm môi trường nước Hồ Tây (tháng 10/2016), mưa lớn gây lũ lụt ở huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất (tháng 7/2018) và xử lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn tại Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (tháng 8/2019). Chủ động tham mưu, tham gia tích cực, hiệu quả cùng toàn quân và cả hệ thống chính trị Thành phố trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19; đã vận chuyển hơn 25 ngàn công dân từ vùng có dịch về cách ly với trên 1.840 chuyến xe an toàn tuyệt đối; tổ chức cách ly hơn 19 nghìn công dân đảm bảo chặt chẽ, không để lây nhiễm chéo, lây nhiễm ra ngoài cộng đồng... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thành phố và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết gắn với thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, kế hoạch của Quân ủy Trung ương, Thành ủy Hà Nội về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện Chỉ thị số 788-CT/QUTU, Chỉ thị số 855 CT/QUTU, ngày 12/8/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Kết hợp chặt chẽ giáo dục chính trị với giáo dục truyền thống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; kịp thời thông tin định hướng tư tưởng cho bộ đội; phát huy vai trò của Ban chỉ đạo 94 (nay là Ban chỉ đạo 35) và lực lượng 47 ở các cấp trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Công tác thi đua, khen thưởng, phong trào thi đua quyết thắng, thông tin, tuyên truyền, báo chí, văn hóa, văn nghệ, bảo tàng luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, hoạt động đúng hướng và đạt hiệu quả cao; phát động 22 đợt thi đua, khen thưởng 2.240 lượt tập thể và 3.865 lượt cá nhân; 19 tập thể, 3 cá nhân được tặng thưởng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, gần 20 nghìn cá nhân được đề nghị tặng thưởng Huân, Huy chương các loại.
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 747-CT/QUTW ngày 23/7/2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Kế hoạch số 155-KH/TU ngày 08/7/2009 của Thành ủy Hà Nội về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng các cấp; tổ chức Đại hội Đảng bộ BTL lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 - Đại hội làm điểm đối với khối các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy, đảm bảo đúng nội dung, nguyên tắc, chất lượng cao, mẫu mực, được Quân ủy Trung ương, Thành ủy Hà Nội đánh giá cao.
Sau Đại hội Đảng ủy BTL đã ban hành, triển khai đồng bộ, kịp thời quy chế làm việc và hệ thống các quy chế lãnh đạo các mặt công tác; ban hành 07 Chương trình hoạt động toàn khóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Hằng năm có trên 90% tổ chức đảng, 95% đảng viên xếp loại hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Chủ động đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không có cấp ủy, tổ chức đảng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng bộ và đơn vị. Đảng bộ BTL được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tặng Cờ đạt thành tích xuất sắc trong 5 năm (2015-2019).
Phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động hiệu quả các nguồn lực của Thành phố trong xây dựng nên quốc phòng toàn dân, tăng cường các tiêm lực trong khu vực phòng thủ. Thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; giải quyết tồn đọng sau chiến tranh; thực hiện các Quyết định 290, 142, 62, 49 của Thủ tướng Chính phủ cho 61.617 đối tượng, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng 62 Nhà tình nghĩa, tặng 478 sổ tiết kiệm; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và thành phố Hà Nội.
Thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô Hà Nội chung sức xây dựng nông thôn mới”, hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sad. Tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hằng năm, tổ chức cho bộ đội huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, tham gia 36.552 ngày công xây dựng, tu sửa các công trình phúc lợi xã hội, giúp dân làm đường nông thôn, đào đắp công trình thủy lợi, xây dựng 18 Nhà Đồng đội; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 69.594 đối tượng chính sách; hỗ trợ hộ nghèo, các cháu học sinh nghèo vượt khó, học giỏi hàng tỷ đồng. Trọng tâm là chủ động phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn huyện Mỹ Đức triển khai các hoạt động để củng cố hệ thống chính trị cơ sở, chung sức xây dựng nông thôn mới và các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế-xã hội tại xã Đồng Tâm theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xác minh, giải quyết 60 vụ việc; thẩm định, xét duyệt tiêu chuẩn chính trị 1.357.373 trường hợp, bảo đảm an toàn cho 159 đoàn quân sự nước ngoài hoạt động trên địa bàn. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn mọi hoạt động cài cắm, móc nối phá hoại, kịp thời phát hiện thu giữ 1.952 tài liệu xấu; bảo đảm an ninh, an toàn các hoạt động của LLVT Thủ đô. Thực hiện tốt chính sách quân đội, hậu phương quân đội đối với cán bộ, nhân viên, chiến sỹ, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; kịp thời động viên cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác, đề cao trách nhiệm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT trong các nhiệm vụ: sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật. Các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân được quan tâm xây dựng, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ; 100% tổ chức đoàn, hội phụ nữ, công đoàn đạt vững mạnh (trên 85% vững mạnh xuất sắc). Cán bộ, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, đoàn viên công đoàn luôn nhận thức đúng nhiệm vụ; kiên định, vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
| Phần hai
TRUYỀN THỐNG CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG THỦ ĐÔ
Trải qua quá trình xây dựng và chiến đấu, Lực lượng vũ trang Thủ đô luôn phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đồng thời đã thể hiện những nét truyền thống tiêu biểu của riêng mình.
1. Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu
Lực lượng vũ trang Thủ đô ra đời từ trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng Thủ đô. Cán bộ, chiến sỹ xuất thân từ mọi tầng lớp nhân dân, được nhân dân nuôi dưỡng, giúp đỡ, che chở, đùm bọc mà từng bước trưởng thành. Mục tiêu chiến đấu của Lực lượng vũ trang Thủ đô là giành và giữ vững độc lập tự do cho quê hương đất nước, cho dân tộc, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp đó, các thế hệ cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang Thủ đô trong bất cứ tình huống nào cũng luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cán bộ, chiến sĩ của các đội cảm tử quân trong kháng chiến chống thực dân Pháp, của các đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc luôn sẵn sàng hy sinh tính mạng để tiêu diệt quân thù, nhiều đồng chí bị thương nặng vẫn không rời trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng... Sự hy sinh và chiến công của họ, góp phần bảo vệ, giữ vững thành quả cách mạng, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và của nhân dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến. Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Lực lượng vũ trang Thủ đô luôn nhận được sự giúp đỡ, che chở của nhân dân. Trong 60 ngày đêm giam chân địch trong thành phố, nhân dân quyên góp, vận chuyển, cung cấp lương thực, thực phẩm... tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang Thủ đô duy trì chiến đấu dài ngày trong thành phố. Cũng là nhân dân đã chở đò đưa Trung đoàn Thủ đô vượt qua sông Hồng rút lên chiến khu an toàn trong vòng vây khép kín của kẻ thù. Trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các tầng lớp nhân dân luôn tạo mọi điều kiện về mọi mặt cho Lực lượng vũ trang Thủ đô hoàn thành nhiệm vụ.
Đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân vừa là truyền thống, vừa là cội nguồn sức mạnh, là cơ sở bảo đảm cho lực lượng vũ trang Thủ đô giữ vững bản chất cách mạng. Đó cũng là điều kiện để lực lượng vũ trang Thủ đô hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
2. Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh
Là lời thề trước khi bước vào cuộc chiến, là lời khen tặng và ghi nhận hành động chiến đấu dũng cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho cán bộ chiến sỹ Lực lượng vũ trang Thủ đô. Đó là sự tiếp nối ý chí độc lập tự cường của bao thế hệ người Việt Nam, trở thành biểu tượng của ý chí, là tinh thần quyết tâm chiến đấu của cán bộ chiến sỹ Lực lượng vũ trang Thủ đô.
Mở đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, Lực lượng vũ trang Thủ đô đã thề sống chết với Thủ đô, quyết tử để bảo vệ Thủ đô. Đã kiên cường, dũng cảm chiến đấu 60 ngày đêm tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Mùa Xuân năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư khen ngợi cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô: “Các em là Đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Đây là vinh dự đặc biệt Người dành cho Lực lượng vũ trang Thủ đô.
Lịch sử mãi mãi khắc ghi hình ảnh các chiến sỹ cảm tử quân ôm bom ba càng lao vào diệt xe tăng địch, trận chiến đấu của Đội liên lạc đặc biệt Anh hùng do Nguyễn Ngọc Nại chỉ huy, cùng du kích, tự vệ Tứ Tổng đưa đường cho Trung đoàn Thủ đô rút lui, đánh nghi binh, hy sinh đến người cuối cùng, tô thắm truyền thống Lực lượng vũ trang Thủ đô Anh hùng.
Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, dưới mưa bom bão đạn của máy bay địch, các trận địa của bộ đội, dân quân, tự vệ Thủ đô vẫn “Nhằm thắng quân thù mà bắn”. Chiến sĩ tự vệ hiên ngang trên các đài quan sát phòng không phát hiện máy bay tầm thấp của địch, đếm và xác định tọa độ bom rơi, không sợ nguy hiểm hy sinh, không rời vị trí chiến đấu ngay cả khi máy bay địch ném bom đài quan sát. Đội phá bom bất chấp nguy hiểm, không quản ngại hy sinh, gan dạ, kiên cường, ngạo nghễ, hiên ngang, bình tĩnh phá hủy, khống chế các loại bom, mìn, thủy lôi - thứ vũ khí giết người man rợ của đế quốc Mỹ để bảo đảm giao thông thông suốt, bảo đảm an toàn tài sản của Nhà nước, tài sản, tính mạng của nhân dân. .. Trong thời bình, Lực lượng vũ trang Thủ đô tham gia xử trí nhiều tình huống phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự xã hội, cứu nạn, cứu hộ... luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ độ tin cậy.
3. Đoàn kết, sáng tạo, đề cao cảnh giác
Lực lượng vũ trang Thủ đô thành lập trên cơ sở thống nhất, hội tụ các đội vũ trang tiền thân ra đời trong phong trào đấu tranh của các tổ chức đoàn thể quần chúng cách mạng ở Hà Nội, các chi đội giải phóng quân của chiến khu cách mạng, các đơn vị vũ trang của tỉnh Hà Đông và Sơn Tây. Từ các tổ chức khác nhau, địa phương khác nhau, xuất thân từ các tầng lớp khác nhau tập trung lại, song cán bộ, chiến sỹ Lực lượng vũ trang Thủ đô luôn đoàn kết, gắn bó thống nhất ý chí và hành động. Mối quan hệ gắn bó mật thiết khăng khít giữa Lực lượng vũ trang Hà Nội với Lực lượng vũ trang tỉnh Hà Đông, tỉnh Sơn Tây trong kháng chiến chống thực dân Pháp và giữa Lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tây từ tháng 4 năm 1965 đến tháng 8 năm 2008 là biểu hiện sinh động cho tinh thần đoàn kết.
Sinh ra, hoạt động trên địa bàn Thủ đô, người chiến sĩ Thủ đô trước đây cũng như ngày nay, có điều kiện, môi trường thuận lợi để không ngừng nâng cao trình độ học vấn và nhận thức, là điều kiện thuận lợi để Lực lượng vũ trang Thủ đô tiếp thu, vận dụng sáng tạo những tri thức khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật . quân sự.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, các đơn vị vũ trang của Hà Nội đã sáng tạo nhiều hình thức, biện pháp, phương thức tuyên truyền vận động cách mạng hiệu quả. Trong thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm, Lực lượng vũ trang Thủ đô đã sáng tạo cách đánh dùng lực lượng nhỏ, tinh nhuệ, bí mật tập kích, đánh bất ngờ mà điển hình là trận đánh sân bay Bạch Mai và Gia Lâm, khai sinh ra hình thức chiến thuật, cách đánh của binh chủng tinh nhuệ đặc biệt.
Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Thủ đô đã sáng tạo nên thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp, bố trí hiểm hóc, bất ngờ, nhờ đó bảo vệ vững chắc các mục tiêu đảm nhiệm, trực tiếp bắn cháy nhiều máy bay địch và bắt sống phi công.
Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, tình hình diễn biến phức tạp. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã xác định nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ hàng đầu của Lực lượng vũ trang Thủ đô. Đây là sự sáng tạo, nhạy bén trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong thời kỳ mới.
Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đề cao cảnh giác, cán bộ chiến sỹ Lực lượng vũ trang Thủ đô trong bất cứ tình huống nào cũng không bị động, bất ngờ, luôn bình tĩnh, tự tin, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu với hiệu suất cao.
4. Quyết đánh, biết thắng, đã đánh là thắng.
Là kết quả của sự kế thừa, phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật quân sự của thế giới, vận dụng sáng tạo học thuyết, nghệ thuật quân sự Mác - Lênin, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.
Trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, các đội tiền thân của Lực lượng vũ trang Thủ đô tuy lực lượng còn nhỏ, vũ khí thô sơ, song đã chủ động tạo thế, tạo thời, nắm chắc thế, thời, dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân gây áp lực mạnh mẽ làm vô hiệu hóa đội quân phát - xít hung hãn, làm tan rã bộ máy bạo lực khổng lồ của chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân mà không phải nổ súng, không tổn thất lực lượng.
Cách mạng tháng Tám vừa thành công, chủ nghĩa đế quốc đã câu kết với các thế lực phản cách mạng trong nước và ngoài nước bao vây tìm mọi cách tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ, dàn xếp để thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần nữa. Lực lượng vũ trang Thủ đô chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đã tổ chức nhiều trận đánh với cách đánh đầy tính sáng tạo, đạt hiệu suất cao, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt cuối năm 1972, chúng đã ồ ạt đưa máy bay B52 ra tàn phá Hà Nội, hòng bắt chúng ta quay trở về “Thời kỳ đồ đá”. Không khuất phục, Lực lượng vũ trang Thủ đô kiên cường chiến đấu, cùng các lực lượng bắn rơi hàng trăm máy bay trong đó có nhiều máy bay B52 - vũ khí hiện đại nhất của thế kỷ XX, bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội, buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận thất bại và chấm dứt chiến tranh Việt Nam không điều kiện.
Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, các thế hệ cán bộ chiến sỹ Lực lượng vũ trang Thủ đô kế tục và phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường chống ngoại xâm, sáng tạo trong lao động, đoàn kết, nhân ái, bao dung, đồng thời kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Sự hy sinh, cống hiến, cùng những chiến công của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Lực lượng vũ trang Thủ đô đã hun đúc nên giá trị truyền thống tiêu biểu, đặc sắc đúng như lời Bác Hồ khen “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Những bài học kinh nghiệm và truyền thống được đúc kết trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành ngày nay vẫn còn nguyên giá trị trong xây dựng Lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
5. Nếp sống văn hóa, kỷ luật tự giác, nghiêm minh.
Phản ánh bản chất cách mạng của giai cấp công nhân. Ngay từ khi được thành lập, Đội tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu đã được xây dựng theo phương h ướng của một đội quân cách mạng. Trong một bài báo đăng trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gương Đội tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu: “Về mặt sinh hoạt hàng ngày, anh em bao giờ cũng giữ kỷ luật và trật tự rất nghiêm. Sáng dậy từ 5 giờ và chỉ trong 5 phút là đã chăn chiếu gọn gàng, áo quần tề. chỉnh để ra tập thể thao. Tuy quần áo thiếu thốn, nhưng anh em cũng cố gắng ăn mặc sạch sẽ. Mỗi ngày anh em để riêng 1 giờ về việc chăm nom vệ sinh trong trại. Lúc nào, nơi ăn chốn ngủ cũng sạch sẽ. Người ta thường nói, muốn biết tinh thần của một bộ đội, chỉ cần xem cách xếp đặt và cách ăn ở của đội viên là đủ rõ. Thì đây, anh em Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu đã tỏ rõ cho mọi người biết là những phần tử đủ tinh thần chiến đấu với cách sinh hoạt thật giản đơn”).
Hoạt động và chiến đấu ở Thủ đô, Lực lượng vũ trang Thủ đô luôn mang trong mình truyền thống nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội. Dù trong hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Thủ đô cũng luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi tất yếu của cách mạng. Những ngày cuối năm 1946, đầu năm 1947, trong lòng Hà Nội bị bao vây bốn phía, tinh thần lạc quan yêu đời của cán bộ, chiến sĩ vẫn được giữ vững. Lời ca tiếng hát vẫn vang vọng ngay tại trận địa còn khói súng.
Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, ngay từ năm 1966, khi cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ đã cận kề Hà Nội, bà Madolen Rípphô, một nữ văn sĩ Pháp, sau khi chứng kiến sự bĩnh tĩnh, lạc quan của quân, dân Thủ đô sẵn sàng chiến đấu, đã phát biểu: “Tôi còn thấy Hà Nội đẹp hơn vì Hà Nội có những con người có ý chí quyết thắng và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng. Trong những vườn hoa, bên những cô gái trồng hoa là những người đào hầm, ở ngoại thành, bên những người nông dân tấp nập chăm bón lúa là những trận địa với đủ loại cỡ súng sẵn sàng. Nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh đánh phá Hà Nội – nhất định chúng sẽ bị giáng những đòn đích đáng”.
Ngày nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, trước sự chống phá quyết liệt của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch bằng những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, thâm độc xảo quyệt, Lực lượng vũ trang Thủ đô vẫn luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, giữ gìn, phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống “nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội”, truyền thống Thủ đô Anh hùng, truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ vận hội, ra sức phấn đấu xây dựng lực lượng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô văn minh, giàu đẹp, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
KẾT LUẬN
Lực lượng vũ trang Thủ đô là một bộ phận quan trọng trong lực lượng vũ trang cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, dìu dắt. Quá trình 75 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Lực lượng vũ trang Thủ đô gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc của nhân dân Hà Nội và cả nước.
Từ những đội tiền thân ra đời trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, lực lượng nhỏ, lẻ, trình độ học vấn thấp, chưa được trang bị kiến thức quân sự, vũ khí thô sơ, nhưng với lòng yêu nước, quyết tâm đi theo Đảng Cộng sản, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Lực lượng vũ trang Thủ đô qua đấu tranh cách mạng đã nhanh chóng phát triển về mọi mặt: tổ chức, quân số, trang bị vũ khí kỹ thuật, trình độ kỹ, chiến thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh giành chính quyền và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong từng thời kỳ lịch sử.
Tổ chức hành chính quân sự của Thủ đô Hà Nội trong từng thời kỳ có tên gọi, quy mô khác nhau phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Sau Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tổ chức hành chính quân sự của Thủ đô Hà Nội là Khu Đặc biệt Hà Nội, sau là Chiến khu XI, rồi đến Thành đội bộ dân quân Hà Nội, Mặt trận Hà Nội, Thành đội Hà Nội; trong kháng chiến chống Mỹ là Bộ Tư lệnh Thủ đô; trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc là Quân khu Thủ đô; từ năm 2008 là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Mỗi bước thay đổi là một bước phát triển lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ.
Đó là quá trình Lực lượng vũ trang Thủ đô xây dựng chiến đấu, trưởng thành, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam hai thời kỳ: tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Lực lượng vũ trang Thủ đô ra đời đảm đương sứ mệnh lịch sử cùng toàn dân Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tiếp đó, cùng nhân dân Hà Nội đấu tranh bảo vệ, củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng, tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Lực lượng vũ trang Thủ đô cùng toàn dân ra sức xây dựng, củng cố, phát triển nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, chi viện đắc lực cho các mặt trận trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả. Đồng thời, tích cực tham gia giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần xây dựng kiến thiết Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, sánh vai với Thủ đô các nước.
Bất luận trong hoàn cảnh nào, Lực lượng vũ trang Thủ đô cũng luôn giữ vững, phát huy truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào những chiến thắng oanh liệt của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm rạng danh non sông, đất nước, dân tộc Việt Nam./.
BẢNG VÀNG THÀNH TÍCH LỰC LƯỢNG VŨ TRANG THỦ ĐÔ HÀ NỘI
(19/10/1946 - 19/10/2021)
1. Từ năm 1946 đến năm 2016
- Lực lượng vũ trang Thủ đô được Đảng, Nhà nước 03 lần tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ và thời kỳ đổi mới (1978, 2002, 2005).
- 01 Huân chương Sao vàng (2011).
- 03 Huân chương Hồ Chí Minh (1984, 1985, 2002).
- 04 Huân chương Quân công hạng Nhất: 1984; hạng Nhì: 2006; 02 hạng Ba: 2004).
- 04 Huân chương Chiến công (02 hạng Nhất: 1983, 2000; 02 hạng Ba: 2004, 2006).
- 02 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (hạng Nhất năm 2005; hạng Ba năm 2014).
- 2361 Bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.
- 266 đơn vị và 68 cá nhân thuộc Lực lượng vũ trang Thủ đô được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
- 8989 gia đình được tặng Bảng vàng danh dự và hơn 1 triệu lượt tập thể, cá nhân thuộc LLVT Thủ đô được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại.
- 06 lần được tặng Cờ thưởng luân lưu Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
- Được tặng thưởng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội.
- 02 Cờ thi đua của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia (2009, 2010).
- 02 Huân chương Ít-xa-la do Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng (01 hạng Nhì cho tập thể; 01 hạng Ba cho cá nhân năm 2010).
2. Từ năm 2016 đến nay
- 01 Huân chương Quân công hạng Nhất năm 2016.
- 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba năm 2018.
- 01 Huân chương hữu nghị Hạng Thập - bạ - đân của Thủ tướng Vương quốc Campuchia năm 2018.
- 19 tập thể, 3 cá nhân được tặng thưởng Danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.
- Gần 20 nghìn cá nhân được đề nghị tặng thưởng Huân, Huy chương các loại.
- 2.240 lượt tập thể và 3.865 lượt cá nhân được các cấp khen thưởng.