"Hồi hộp như ngày đầu đứng trên bục giảng"
Đó là lời tâm sự của cô giáo Phạm Thanh Minh, giáo viên trường THCS Thanh Xuân Trung trong ngày đầu tiên đón học sinh trở lại trường sau hơn 3 tháng nghỉ dịch Covid-19.
Cô Phạm Thanh Minh trong tiết học đầu tiên sau khi đón học sinh trở lại trường.
Cả đêm trước ngày đón học trò trở lại trường, cô Minh trằn trọc khó ngủ, vừa mừng vừa hồi hộp.
"Trong suốt 13 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên tôi phải xa học trò, xa bục giảng thời gian dài như vậy. Thứ 6 tuần trước, khi nghe ban giám hiệu nhà trường thông báo về thời điểm đi học lại, tôi mừng khôn tả.
Dù hôm sau là ngày nghỉ lễ, các thầy cô giáo trong trường vẫn vui vẻ đến dọn trường dọn lớp, háo hức đón các em. Và thật sự, đêm trước khi tới trường, tôi trằn trọc, cảm giác hồi hộp y như lần đầu đứng trên bục giảng", cô Thanh Minh tâm sự.
Trở lại bục giảng, ngắm nhìn những cô cậu học trò nhỏ, cô Minh thấy hạnh phúc vô cùng. "Nhớ lắm, nhớ các con, nhớ mái trường và nhớ vô cùng cảm giác đứng trên bục giảng. Tôi tin bất cứ người giáo viên nào cũng trong tâm trạng như vậy suốt mấy tháng qua", cô Minh chia sẻ.
Thầy Lê Tiến Hải, người đồng nghiệp của cô Minh đã đến trường trước giờ mở cổng cả tiếng đồng hồ. Thầy chuẩn bị rất kĩ cho buổi học đầu tiên sau hơn 3 tháng xa học trò. Thầy cẩn thận chào đón từng học trò, hỏi thăm các em về những ngày nghỉ dịch, về những buổi học online,...
"Từ hôm qua đến giờ, trong lòng cứ bồi hồi xúc động. Cả đêm trước, tôi gần như không ngủ. Thật sự chỉ có những người thầy người cô mới thấu hiểu được tâm trạng này. Chúng tôi mong mỏi từng ngày được đón các em.
Nhưng đến nay khi mọi công tác đã chuẩn bị tốt nhất thì chúng tôi mới tự tin đón các em quay lại, học tập thật an toàn và hiệu quả", thầy Hải chia sẻ.
Thầy Hải cùng đồng nghiệp đón học sinh trở lại trường. Ảnh nhà trường cung cấp
Dạy gấp đôi, trách nhiệm gấp bội
Để đảm bảo giãn cách an toàn cho học sinh tại trường, mỗi lớp học của trường Thanh Xuân Trung được chia làm hai nhóm, học ở hai phòng học riêng biệt. Điều đó đồng nghĩa, mỗi thầy cô giáo phải dạy gấp đôi số tiết, gấp đôi thời lượng.
Ảnh nhà trường cung cấp
"Nhà trường cũng như nhiều trường khác đã thực hiện chia đôi hoặc chia ba sĩ số lớp học. Vì vậy nếu trước đây mỗi giáo viên sẽ dạy 19 tiết/tuần thì nay sẽ phải dạy 38 tiết/ tuần. Đây là một khó khăn không nhỏ với các thầy cô.
Với những trường là số lượng giáo viên không đủ để đáp ứng việc chia đôi lớp học để dạy trực tiếp tại trường thì thầy cô lại vừa phải dạy trực tiếp vừa phải dạy online, rất vất vả", bà Trịnh Hồng Vân, hiệu trưởng trường THCS Thanh Xuân Trung thông tin.
Trở lại trường sau thời gian dài nghỉ dịch, các thầy cô lại bắt đầu với nhịp công việc tăng gấp đôi, gấp ba. Nhiều thầy cô dạy cả ca sáng lẫn chiều mà thời gian nghỉ trưa không được bao nhiêu.
"Thời điểm tháng 5, tháng 6, thời tiết rất nóng bức nên cả thầy và trò đều phải cố gắng khắc phục. Chúng tôi đã lên dây cót tinh thần, sẵn sàng đồng hành cùng học trò.
Dù sẽ vất vả, sẽ khó khăn hơn nhưng tôi tin những người thầy, người cô và toàn ngành giáo dục sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy", thầy Tiến Hải lạc quan chia sẻ.
"Không điều gì quan trọng bằng được đón các em trở lại trường học để tiếp tục chương trình học tập dang dở. Bản thân tôi nghĩ rằng, việc tăng đôi số ca dạy không làm khó giáo viên mà đó chỉ là một thử thách mới, nhiệm vụ mới". Đó là lời chia sẻ của cô giáo Phạm Thanh Minh.
Trở lại giảng dạy, các thầy cô cũng gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc, hướng dẫn học trò cách phòng tránh dịch bệnh Covid-19. Mỗi thầy cô là một "chiến sĩ" bảo vệ các em, là người nhắc nhở từ việc đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ đến đo thân nhiệt, quan sát, lắng nghe tâm tư tình cảm, sức khoẻ của từng học trò.
"Chúng tôi sẽ luôn cố gắng để các em được học tập hiệu quả và an toàn..."